Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm: Con đường trở thành Di sản tư liệu thế giới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) vừa chính thức được xướng tên trong danh mục chương trình Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.

>>> Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận là Di sản tư liệu thế giới

Để có được niềm vui hôm nay, gần 3 năm qua, rất nhiều nhà khoa học đã trăn trở để xây dựng và hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận.

Từng "trượt" danh hiệu

Năm 2011, cùng với 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ thời Lê và Mạc tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm cũng đã được Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Bắc Giang đệ trình hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Tuy nhiên, năm đó, dù bia đá các khoa thi tiến sĩ thời Lê và Mạc được vinh danh, những người làm di sản vẫn chưa có được niềm vui trọn vẹn, vì tinh thần của Thiền viện Trúc Lâm chỉ lọt qua vòng sơ duyệt mà không được công nhận.

Nguyên nhân "trượt" danh hiệu Di sản tư liệu thế giới của mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm là: "Năm 2011, lượng di sản xin UNESCO đưa vào danh sách xét duyệt tăng đột ngột. Hơn nữa, tinh thần của UNESCO là khuyến khích các quốc gia lần đầu "ứng thí", trong khi chúng ta đã được công nhận 2 di sản rồi. Thêm nữa, chúng ta đã được công nhận mộc bản triều Nguyễn năm 2009, để họ xét danh hiệu tiếp cho một hồ sơ mộc bản thứ hai là không đơn giản" - ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết.

Ngay sau kết quả bầu chọn vòng sơ duyệt, UBND tỉnh Bắc Giang đã có kế hoạch tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đệ trình lên UNESCO xem xét trong cuộc họp thường niên tiếp theo. Trong quá trình bổ sung hồ sơ, UBND tỉnh Bắc Giang đã bổ sung nhiều thông tin có giá trị. Đặc biệt, những thông tin về sức ảnh hưởng và lan tỏa của hệ tư tưởng Thiền viện Trúc Lâm Vĩnh Nghiêm với Phật giáo trong nước cũng như trong khu vực. Và trong kỳ họp của Ủy ban Ký ức thế giới khu vực châu Á, Thái Bình Dương diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) từ 14 - 16/5, mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm đã được công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á, Thái Bình Dương năm 2012.

Với 100% số phiếu ủng hộ, bằng chứng nhận mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản ký ức thế giới đã được đại diện UNESCO trao cho ông Phạm Cao Phong, Tổng Thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam. Bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận dựa trên ba tiêu chí là tính xác thực, tính độc đáo không thể thay thế và vị trí vai trò trong khu vực.

Giá trị của ký ức

Những bộ ván kinh chùa Vĩnh Nghiêm có từ 700 năm nay, là kho sách cổ vô cùng quý giá như: Sa di tăng sa di tì tỉ khiêu ly (348 giới luật), bộ Yên Tử nhật trình từ thế kỷ XV (quá trình hình thành phái Trúc Lâm), Hoa nghiêm sớ, Di đà sớ sao, Đại thừa chí quán, Giới kinh ni... do các vị sư tổ Thiền viện Trúc Lâm ở chùa Vĩnh Nghiêm cho khắc tạc từ những năm giữa thế kỷ XVIII (triều vua Lê Cảnh Hưng) đến đầu thế kỷ XX.

Hiện nay, kho mộc thư vẫn lưu giữ được 34 đầu sách với gần 3.000 bản khắc bằng loại gỗ thị. Mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản) khoảng 2.000 chữ Nôm, chữ Hán. Người xưa chọn gỗ thị để tạc chữ bởi đây là loại gỗ trắng, thớ gỗ mịn lại ít cong vênh. Khi gỗ còn tươi rất mềm, khi khô lại trở nên dai bền hiếm có. Vì vậy, các nghệ nhân xưa đã khắc ngay khi gỗ mới được xẻ thành ván. Hơn 3.000 mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm thể hiện tư tưởng, giáo lý của Thiền viện Trúc Lâm được lưu khắc hết sức rõ nét và mang đậm bản sắc dân tộc cùng những giá trị nhân văn sâu sắc. Đặc biệt, nhiều mộc bản được khắc bằng chữ Nôm, loại văn tự của người Việt.

Trước đây, Việt Nam đã có hai di sản tư liệu được UNESCO công nhận là bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442 - 1779) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, mộc bản Triều Nguyễn. Khi mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được xướng tên công nhận, đã thêm phần khẳng định sự trân trọng của thế giới về chiều dài lịch sử Việt Nam gắn liền với giá trị nhân văn sâu sắc được thể  hiện công phu trên mỗi mộc bản.