Mộc Vân Hà trước sức ép hội nhập

Bài, ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được hình thành từ những năm 20 của thế kỷ trước, đến nay, làng nghề mộc truyền thống xã Vân Hà (huyện Đông Anh) tiếp tục được gìn giữ và phát triển ngày một lớn mạnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới.

Theo thống kê, toàn xã Vân Hà hiện có 1.760 hộ tham gia vào nghề mộc thủ công mỹ nghệ, chiếm khoảng 75% tổng số hộ. Trong đó, số cơ sở kinh doanh sản xuất cá thể là 1.054 hộ. Số hộ trực tiếp tham gia buôn bán gỗ là 300 hộ. Ngoài ra xã có 24 công ty TNHH đang hoạt động hiệu quả. Đến nay, nghề mộc truyền thống đã phát triển mở rộng ra 5/5 thôn. Hình thức sản xuất cũng được chuyên môn hóa. Cụ thể, thôn Thiết Úng chủ yếu sản xuất tranh, tượng người, tượng Phật, con giống, tứ linh, phù điêu… Hai thôn Thiết Bình và Cổ Châu chủ yếu là mặt hàng trang trí nội thất. Trong khi, các sản phẩm tủ, bàn ghế xuất khẩu là sản phẩm chủ lực của hai thôn Vân Điềm và Hà Khê. 
 Nghề mộc truyền thống đang mang lại thu nhập rất khá cho nhiều lao động tại xã Vân Hà.
Nghề mộc đang mang lại thu nhập quan trọng cho người lao động xã Vân Hà. Thống kê của UBND xã Vân Hà cho thấy, trong năm 2017, thu nhập của người làm nghề mộc dao động từ 3,5 - 15 triệu đồng/người/tháng. Nghệ nhân, thợ lành nghề, mức thu nhập có thể lên tới 25 - 30 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn xã, làng nghề mộc còn thu hút khoảng 2.000 lao động các địa phương lân cận. Nhờ nghề mộc, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Vân Hà ngày một trở lên sung túc, đủ đầy. Đời sống văn hóa tinh thần cũng nhờ đó được nâng cao…

Mang lại giá trị kinh tế lớn, tuy nhiên, nghề mộc ở xã Vân Hà hiện còn gặp không ít khó khăn. Hiện, các hộ chủ yếu sản xuất trong những lán xưởng trên diện tích của gia đình sinh sống, chưa có điểm sản xuất tập trung xa khu dân cư. Các hộ kinh doanh đồ gỗ cũng phải tìm những khoảng đất trống quanh những đồng bãi, đường giao thông nông thôn để tập kết và bán hàng do chưa có chợ nguyên liệu tập trung. Ô nhiễm môi trường, đặc biệt là đến từ bụi gỗ và mùi sơn cũng đang trở nên rất nghiêm trọng...

Chủ tịch UBND xã Vân Hà Đỗ Thị Hảo cho biết, việc chưa có chợ nguyên liệu khiến công tác quản lý bến bãi, trật tự giao thông gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý, việc tiêu thụ sản phẩm làng nghề của 3/5 thôn vẫn phụ thuộc nhiều vào thương lái, nhất là từ phía bạn hàng Trung Quốc. Do đó, rất cần có một quy hoạch phát triển cụ thể dành cho làng nghề mộc xã Vân Hà…

Để giải quyết bài toán mặt bằng sản xuất, UBND huyện Đông Anh đã phê duyệt Đề án phát triển khu sản xuất làng nghề tập trung tại thôn Hà Khê rộng 10,1ha. Tuy nhiên, đề án mới đang trong quá trình triển khai bước đầu. Chủ tịch UBND xã Vân Hà kiến nghị TP, huyện Đông Anh tiếp tục nghiên cứu, đưa vào quy hoạch xây dựng từ 1 - 2 chợ nguyên liệu với quy mô từ 5 - 6ha/chợ và khu trưng bày sản phẩm làng nghề khoảng 1ha. Bên cạnh bài toán cơ sở hạ tầng, cần phát triển vùng nguyên liệu ổn định, thúc đẩy xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường.