Mối lo nguồn cung tại Iran tiếp tục hỗ trợ giá dầu tăng mạnh

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết thúc phiên ngày 20/8, giá dầu tăng ngày thứ 3 liên tiếp khi các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran đã góp phần làm tăng lo ngại về sự thắt chặt nguồn cung dầu toàn cầu.

Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng phiên thứ 3 liên tiếp trong ngày 20/8, một ngày trước khi các hợp đồng tương lai giao tháng 9 hết hạn.

Trong phiên này, giá dầu tiếp tục đi lên do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran đã góp phần gia tăng lo ngại về nguồn cung dầu toàn cầu thắt chặt hơn.

Trong tuần trước, tình hình bất ổn tại các thị trường mới nổi và lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc đã tác động tiêu cực đến thị trường, qua đó khiến giá dầu sụt giảm 3 tuần liên tiếp.

Sự gia tăng bất ngờ của dự trữ dầu thô tại Mỹ trong tuần trước tác động xấu đến giá dầu, cùng với việc đồng USD tăng mạnh ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng toàn cầu, cũng khiến giá dầu suy yếu.

 Giá dầu tăng phiên thứ 3 trong ngày 20/8. Ảnh: MarketWatch

Tuy nhiên, giá dầu đã phục hồi vào cuối tuần trước nhờ thông tin rằng Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị nối lại các vòng đàm phán thương mại, mặc dù kỳ vọng về một bước đột phá là rất thấp.

Kết thúc phiên giao dịch này, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9 tăng 52 xu Mỹ, tương đương 0,8%, lên 66,43 USD/thùng, sau khi tăng trong 2 phiên vừa qua. Hợp đồng này sẽ hết hạn vào cuối phiên ngày 21/8.

Phil Flynn, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, cho biết giới đầu tư đang tập trung vào việc hợp đồng tháng 9 hết hạn, điều này dẫn đến “sự chênh lệch lớn” về giá giữa hợp đồng giao tháng 9 và hợp đồng giao tháng 10, vốn khép phiên giao dịch ngày 20/8 ở mức 65,42 USD/thùng.

Trong khi đó, hợp đồng dầu Brent giao tháng 10 nhích 38 xu Mỹ, tương đương 0,5%, lên 72,21 USD/thùng.

Những lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực lan rộng đến các thị trường mới nổi từ cuộc khủng hoảng tiền tệ tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng dẫn đến biến động trên các thị trường hàng hóa trong tuần trước. Đặc biệt, chỉ số Dollar Index, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, chạm đỉnh 14 tháng trong tuần trước nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn.

Những lo ngại về thị trường mới nổi càng gia tăng trước dấu hiệu tăng trưởng giảm tốc tại Trung Quốc, nước đang có xung đột thương mại với Mỹ, đã làm giảm triển vọng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới và là nhà nhập khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới.

Về nguồn cung, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran, đặc biệt nhằm đến hoạt động sản xuất dầu sẽ có hiệu lực vào tháng 11/2018, và các nhà phân tích cho biết vẫn chưa rõ chính xác lượng dầu của Iran sẽ bị sụt giảm trên thị trường.

Các nhà quan sát thị trường, bao gồm Giovanni Staunovo, chuyên gia phân tích hàng hóa tại UBS Wealth Management, dự đoán châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ cắt giảm kim ngạch nhập khẩu dầu từ Iran, trong khi Ấn Độ có kế hoạch giảm một nửa kim ngạch nhập khẩu dầu hiện nay.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc là những ngoại lệ, tuy nhiên trong trường hợp các nước này giữ mức nhập khẩu ổn định, thì tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ khiến sản lượng tại Iran mất khoảng 1-1,5 triệu thùng dầu/ngày, ông Staunovo cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần