Mối lo từ rác thải nhựa

Lê Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6), vừa qua tại Hà Nội, 22 Đại sứ và đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng ký vào bản Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa. Điều này cho thấy, rác thải nhựa đang trở thành nỗi lo của toàn cầu.

 Có khoảng 300 người đến đổi rác lấy quà ở gian hàng của URENCO tại Ngày hội Sống xanh.
Báo cáo “Thực trạng nhựa” và “Hành tinh của chúng ta đang chìm trong ô nhiễm nhựa” của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc năm 2018 cho thấy, trên thế giới cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm 5.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Ở Việt Nam, thống kê bình quân, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng. Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, chất thải nhựa và túi nilon tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, trở thành một thách thức rất lớn đối với cộng đồng và xã hội.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, tại Hà Nội, đối với rác sinh hoạt hàng ngày, việc lẫn các loại chất thải nhựa, đặc biệt là nilon tương đối phổ biến. Các loại rác như chai nhựa, các vật dụng bằng nhựa hư hỏng, một số loại nilon đã được các hộ gia đình phân loại cũng như được thu hồi để tái chế. Thế nhưng, theo thống kê của Công ty URENCO – đơn vị thu gom, xử lý rác thải chủ lực của Hà Nội, lượng rác thải từ nhựa và nilon chiếm khoảng 7 - 8% khối lượng rác được vận chuyển lên chôn lấp tại bãi rác Nam Sơn. Loại chất thải này gần như không thể phân hủy khi chôn lấp.

Theo đại diện Công ty URENCO, để giảm thiểu tối đa rác thải nhựa, việc điều đầu tiên là phải tuyên truyền cho người dân hạn chế sử dụng các loại vật dụng có nguồn gốc từ nhựa, nilon như: Hạn chế dùng các loại nước đóng trong chai nhựa, hạn chế sử dụng các loại cốc, bát ăn, thìa dĩa, hộp xốp sử dụng một lần; hạn chế sử dụng túi nilon trong hoạt động hàng ngày, nhất là để đựng thực phẩm, đi chợ... Đối với mỗi gia đình, cần phân loại rác triệt để từ nguồn, phân loại riêng các loại chất thải tái chế như vỏ chai, hộp nhựa, vỏ lon bia, giấy cũ, kim loại... tránh bị lẫn vào các loại chất thải sinh hoạt khác. Điều này giúp công tác tái chế chất thải được dễ dàng và triệt để hơn.

Được biết, tại Ngày hội Sống xanh do Sở TN&MT Hà Nội phối hợp tổ chức cuối tuần qua, Công ty URENCO đã có gian hàng giới thiệu các sản phẩm tái chế và đặc biệt có hoạt động "mang rác đến - rinh quà về". Đây là hoạt động được đánh giá cao khi chuyển tải thông điệp bảo vệ môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng các loại chất thải từ nhựa, nilon tới cộng đồng.
Theo đó, người dân khi mang các loại rác tái chế như chai lọ nhựa, vỏ lon bia, giấy, sách báo cũ, túi nilon... đến với gian hàng đều được đổi lấy các phần quà như: Túi sinh thái (làm từ vật liệu tái chế), túi nilon tự hủy, các sản phẩm sinh hoạt làm từ nhựa tái chế, phân hữu cơ trùn quế... đây đều là các sản phẩm tái chế do Công ty sản xuất. Qua hơn một ngày đổi quà, Công ty URENCO đã thu được hơn 100kg chất thải tái chế, trong đó chủ yếu là vỏ chai nhựa và giấy cũ.