Mỗi người dân ý thức hơn về trách nhiệm với phiếu bầu

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Càng gần đến ngày bầu cử, công tác tuyên truyền được chú trọng đẩy mạnh với nội dung thiết thực, hình thức đa dạng, sinh động, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, để cử tri hiểu và tích cực tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Trong đó, việc phổ biến quy trình bỏ phiếu và tổ chức bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng dịch Covid-19 là vấn đề được chú trọng.

Đảm bảo việc bỏ phiếu diễn ra liên tục
Hiện các địa phương đang đẩy mạnh việc vận động, tuyên truyền để cử tri tích cực tham gia bỏ phiếu, thực hiện quyền bầu cử của mình, nhưng không được thúc giục, ép buộc cử tri phải đi bỏ phiếu sớm để kết thúc sớm việc bỏ phiếu. Theo quy định, trường hợp gần đến giờ kết thúc việc bỏ phiếu theo quy định mà vẫn còn cử tri chưa thực hiện xong việc bỏ phiếu, Tổ Bầu cử có trách nhiệm thông báo đến các cử tri còn ở trong khu vực phòng bỏ phiếu về việc chuẩn bị kết thúc thời gian bỏ phiếu và đề nghị cử tri khẩn trương hoàn thành việc bỏ phiếu. Tổ Bầu cử thực hiện việc đóng hòm phiếu vào đúng thời gian đã quy định, không phụ thuộc vào việc cử tri đã bỏ phiếu hết hay chưa.
 Cử tri tham khảo thông tin tại một điểm bầu cử ở huyện Thanh Trì. Ảnh: Phạm Hùng
Việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục. Trong trường hợp có sự kiện bất ngờ làm gián đoạn việc bỏ phiếu, Tổ Bầu cử phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cáo cho Ban Bầu cử, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục.

Theo ông Bùi Văn cường, trường hợp chưa hết thời gian bỏ phiếu theo quy định mà đã có 100% người trong danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu đã tham gia bỏ phiếu, Tổ Bầu cử cũng không được tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu và tiến hành kiểm phiếu trước thời điểm 19 giờ cùng ngày.

Không được nhờ bầu hộ, bầu thay

Một vấn đề cũng được lưu ý trong quá trình tuyên truyền là cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ bầu hộ, bầu thay. Khi đến phòng bỏ phiếu, cử tri xuất trình Thẻ cử tri để được nhận phiếu bầu. Trường hợp cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri; trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Theo các chuyên gia, khi nhận được lá phiếu, trách nhiệm của mỗi người là phải đi bầu cử đúng giờ, phát huy quyền làm chủ của mình để lựa chọn người có đức, có tài, có tâm, có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Không thể đi bầu thay, bầu cử qua loa, đại khái, cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Đồng thời, càng không nên vì cục bộ, địa phương hay vì cá nhân mà bỏ sót người có năng lực. Hiện các quy định trong ghi phiếu, bỏ phiếu đã được các thành viên Tổ Bầu cử hướng dẫn đến cử tri. Đồng thời, việc đảm bảo tổ chức bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 cũng là vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Hiện Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn công tác tổ chức bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, căn cứ vào quy mô, số lượng cử tri ở từng khu vực bỏ phiếu và yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 ở địa phương, UBND cấp xã và Tổ Bầu cử xây dựng kế hoạch, lịch trình bỏ phiếu để chủ động điều tiết, phân chia thời gian bỏ phiếu của cử tri ở từng thôn, tổ dân phố, cụm dân cư, nhóm hộ gia đình... và thông báo rộng rãi cho cử tri thuộc khu vực bỏ phiếu biết, bảo đảm tại cùng một thời điểm trong ngày bầu cử không tập trung quá đông người ở phòng bỏ phiếu.

Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử, ở các khu vực bỏ phiếu, các địa phương trong cả nước đã thành lập 84.767 tổ bầu cử. Đồng thời, rà soát cử tri có đăng ký thường trú, tạm trú, cử tri đi lao động xa, những trường hợp không được tham gia bỏ phiếu... nhằm bảo đảm quyền bầu cử của công dân. Theo số liệu của các địa phương, tổng số cử tri cả nước là 69.198.594 người sẽ thực hiện quyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần