Môi trường làng nghề: Rà soát quy hoạch, di dời cơ sở gây ô nhiễm

Thương Huế (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nhận định của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) Hoàng Văn Thức, khi trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, xoay quanh vấn nạn ô nhiễm môi trường làng nghề tại Hà Nội.

 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) Hoàng Văn Thức
Ông nhận định thế nào về môi trường làng nghề của Hà Nội hiện nay?

- Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước, với 1.350 làng nghề, thu hút gần 1 triệu lao động tham gia. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất tại đây đang phát sinh ô nhiễm cao, trong khi đó các khu vực này hầu như không có công trình xử lý chất thải phù hợp. Một số công trình nghiên cứu xử lý nước thải làng nghề đã được triển khai nhưng hiệu quả còn thấp và kém ổn định.

Theo ông, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm cao như vậy là do đâu?

- Cùng với tốc độ đô thị hóa, làng nghề truyền thống của Hà Nội đã bị mai một đi nhiều, làng nghề còn tồn tại cũng phải thay đổi phương thức hoạt động sản xuất để đáp ứng nhu cầu mới của thị trường. Đây cũng chính là căn nguyên của ô nhiễm môi trường làng nghề ngày càng trở nên phức tạp. Ví như trước đây, chỉ sản xuất thủ công, nay buộc phải sử dụng máy móc thiết bị để nâng công suất, cùng với đó là phát sinh nhiều chất thải hơn.

Xét về góc độ môi trường, đã sản xuất lớn là sinh nhiều chất thải, gây nhiều tiếng ồn. Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật môi trường (hệ thống xử lý nước thải, khí thải...) không được đầu tư xây dựng để xử lý. Bên cạnh đó, một số cơ sở dưới danh nghĩa làng nghề để giải quyết công ăn việc làm và nâng cao đời sống cho người dân nông thôn, nên các yêu cầu bảo vệ môi trường đối với đối tượng này bị xem nhẹ, trong khi đó ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các chủ cơ sở chưa cao.

Như vậy rõ ràng, tại các làng nghề, lợi nhuận phần lớn đang chảy vào túi cá nhân nhưng hậu quả ô nhiễm môi trường thì cộng đồng lại gánh chịu?

- Thực tế cho thấy, thu nhập của cơ sở làng nghề ngày càng cao thì người dân khu vực xung quanh phải chịu ô nhiễm ngày càng nhiều, ngân sách không thu được bao nhiêu nhưng vẫn phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xử lý ô nhiễm cho các làng nghề. Đây thực sự là một nghịch lý về bài toán kinh tế.

Tôi được biết, TP Hà Nội đã phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và đang triển khai. Đây thực sự là động thái tích cực, thể hiện sự quyết tâm của TP Hà Nội trước vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề. Tuy nhiên, để đề án này thực hiện hiệu quả, theo tôi, trước tiên cần thiết phải rà soát quy hoạch lại trong tổng số 1.350 làng nghề hiện nay. Trong đó, chỉ đầu tư xử lý ô nhiễm cho 297 làng đã được công nhận. Đối với số còn lại, cần áp dụng lộ trình cụ thể theo giai đoạn để di dời vào khu, cụm công nghiệp hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất.

Theo ông, làm thế nào để việc di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất nhận được sự đồng tình của người dân trong diện và đạt hiệu quả cao?

- Việc di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất của các làng nghề là hết sức khó khăn, nhưng không phải không làm được nếu chúng ta có sự quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ TP đến quận, huyện, xã, phường, thôn làng, tổ dân phố và sự đồng thuận của Nhân dân, đặc biệt là các hộ làng nghề. Vì thế, thứ nhất, tôi cho rằng, Hà Nội cần phải làm tốt khâu vận động, tuyên truyền, khuyến khích để cho người dân thông và hiểu về chủ trương, chính sách phải di dời vào khu cụm công nghiệp, chuyển đổi ngành nghề sản xuất để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thứ hai, đồng thời cần có chính sách bồi thường, hỗ trợ khi di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề một cách thỏa đáng, công khai, minh bạch để đảm bảo đời sống người dân. Thứ ba, cần áp dụng chế tài mạnh mẽ, nghiêm khắc đối với những cơ sở, hộ gia đình, cá nhân cố tình chây ì không áp dụng các biện pháp xử lý môi trường hoặc không chịu di dời theo chủ trương đã đạt được sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân.

Sản xuất miến tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai. Ảnh: Chiến Công

Vậy trong thời gian chờ chuyển đổi hay di dời, theo ông, phải làm thế nào để hạn chế phát sinh ô nhiễm môi trường?

- Theo tôi, từng cơ sở hay hộ gia đình đã phải áp dụng triệt để các biện pháp khống chế phát tán mùi, bụi, hơi sơn, hơi dung môi, tiếng ồn, nhiệt độ và thu gom xử lý toàn bộ nước thải phát sinh, chất thải rắn theo quy định. Tiếp đến TP cần dành quỹ đất, nguồn lực đầu tư nhất định để xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật môi trường bài bản để thu gom, xử lý được toàn bộ chất thải phát sinh từ các làng nghề.

Thời gian gần đây, tôi cho rằng, TP Hà Nội đã có những chuyển mình thực sự trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề. Việc thực hiện quyết liệt Đề án bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với giải pháp triển khai phù hợp, thời gian tới, làng nghề truyền thống Hà Nội vẫn được bảo tồn nhưng ô nhiễm môi trường dần được đẩy lùi và khống chế.

Xin cảm ơn ông!

Theo Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020, trong năm 2018, TP sẽ tập trung đầu tư, xây dựng và vận hành quy trình công nghệ xử lý môi trường cho 13 loại hình làng nghề, gồm: Chế biến lương thực, thực phẩm; nghề thuộc da, nghề nhuộm…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần