Mỗi tuần một cuốn sách: Câu chuyện Hồ Gươm

Thục Trinh
Chia sẻ Zalo

Thêm tác phẩm “Hồ Hoàn Kiếm – thời gian và sự kiện” trình diện trong làng sách Việt, càng thêm lời khẳng định: Hồ Gươm là đề tài không bao giờ cạn cho các nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo.

Những cái tên “lão làng” của giới nhiếp ảnh như Hữu Nền, Hữu Cấy không xa lạ với công chúng. Những cái tên ấy lại càng gần hơn với người yêu Hà Nội khi ngày lễ trọng đại nào của mảnh đất ngàn năm, họ cũng xuất hiện đúng lúc và đầy ý nghĩa. Công chúng vẫn còn nhớ cuốn “Ký ức Hà Nội (1950 – 2010)” mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Cấy cho ra mắt vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, cũng chưa quên cuốn “Thủ đô Hà Nội” mà Hữu Nền cho ra mắt nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Thế nhưng trình diện công chúng ở “mốc” kỷ niệm 62 năm Ngày Giải phóng Thủ đô năm nay, 2 tay máy lão làng này không “đơn thương độc mã”, mà đồng hành cùng các con cháu Hữu Vinh, Hữu Hinh và Hữu Nguyên – cũng đều là những cái tên đã được định hình trong làng ảnh chuyên nghiệp.

NS Hữu Nền, tác giả cuốn “Hồ Hoàn Kiếm – thời gian và sự kiện”.

Thật đúng khi nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc gọi đây là cuốn sách gia đình. Nhưng độc đáo là cả gia đình nghệ sĩ cùng kể chung một câu chuyện về Hồ Gươm – lẵng hoa đẹp nhất trong cả vườn hoa Thăng Long – Hà Nội. Lợi thế là cả gia đình họ Nguyễn Hữu này đều sống và trưởng thành ở quận chứa cái hồ gắn với truyền thuyết trả Gươm ấy. Nên thật dễ hiểu vì sao những bức ảnh kể chuyện Hồ Gươm, mà cứ “nói” với người xem rằng: Người chụp ảnh hiểu tận chân tơ kẽ tóc “nhân vật” của mình.
Phải nói rằng, trong vô số những góc máy, những khoảnh khắc, những rung động ở nơi ghi dấu truyền thuyết này, các bức ảnh của người nhà Nguyễn Hữu vẫn có những nét rất riêng. Nét riêng của những nghệ sĩ sống kề ngay Hồ Gươm, bấm máy từ năm 1950 đến nay tổng cộng đã tròn 65 năm, với những sự kiện chính trị, xã hội, sinh hoạt đời thường cũng như kiến trúc, cảnh quan, môi trường được thay đổi theo thời gian. Nét riêng ấy dường như chứa đựng những nhân tố mà chỉ có công nghệ hay kỹ thuật nhiếp ảnh mới thể hiện được. Và như nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc cảm nhận: “Ở đó còn có tình yêu, niềm đam mê mang căn cước của người Hà Nội – cái căn cước không liên quan đến sổ hộ khẩu”.
Hồ Gươm và những gì từng diễn ra quanh nó đã được các tác giả lựa chọn để giới thiệu với người xem vẻ đẹp muôn thuở của một cảnh quan mãi mãi là “lẵng hoa” tươi đẹp nhất của Thủ đô Hà Nội. Vẻ đẹp của Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, tháp Hoà Phong, tháp bút đài nghiên, cầu Thê Húc… cùng những dáng nghiêng tha thướt của đám cây ven hồ, đã trường tồn và sinh động theo nhịp điệu của thời gian và người đô thị. Câu chuyện Hồ Gươm chứa đựng đầy chi tiết quý, không khác gì tư liệu lịch sử. Bởi những gì thu lại trong ống kính của các nhiếp ảnh gia không chỉ thuộc về Hà Nội trong quãng thời gian đổi mới, mà còn có “Cảnh hồ Hoàn Kiếm xưa” (cuối thế kỷ XIX), “Cổng đền Ngọc Sơn xưa” (đầu thế kỷ XX), “Cầu Thế Húc xưa”, “Tháp Hoà Phong xưa” (cuối thế kỷ XIX), “Tháp Rùa phơi phới cờ bay” (10/1954), “Hồ Gươm ngày Giải phóng Thủ đô” (10/1954)… Nhất là những bức ảnh lưu lại những vết dấu mà ngày nay không còn như “Rạp chiếu bóng bên đền Bà Kiệu xưa” (đầu thế kỷ XX), thay vào đó là Tượng đài Quyết tử và đồng hồ đếm ngược bên đền Bà Kiệu (năm 2010). Giá trị của các bức ảnh càng được tôn thêm khi tác giả luôn đặt chúng trong hai vế “Xưa – Nay”. Câu chuyện về Hồ Gươm vì thế mà đủ đầy những nét thăng trầm thời gian và chiều sâu của những đổi thay đã hiện hữu. Lại thêm dấu ấn gắn với người Hà Nội lưu lại trong các hoạt động văn hóa, chính trị, xã hội diễn ra rất thân thiện và sôi động nơi trung tâm này. Thế nên câu chuyện Hồ Gươm của gia đình nhà Nguyễn Hữu do “lão làng” Hữu Nền chủ trì càng rõ nét và thêm phần ý nghĩa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần