Mỗi tuần một cuốn sách: Chuyện tình đích thực siêu buồn

Anh Nguyệt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ra mắt độc giả Việt chưa đầy một tuần, song cuốn “Chuyện tình đích thực siêu buồn” của nhà văn Mỹ gốc Nga Gary Shteyngart thực sự cuốn hút người đọc vì phong cách trào phúng, châm biếm đã có thương hiệu.

Độc giả Việt từng gặp Gary Shteyngart năm 2009 qua tác phẩm “Cộng hòa phi lý”. Lần hội ngộ này của ông là trong khung cảnh một nước Mỹ đang sụp đổ ở một tương lai rất gần. Ở đó, gã béo 39 tuổi gốc Nga Lenny Abramov đầy cholesterol trong máu, con trai của hai vị phụ huynh Nga giận dữ, tác giả của cuốn nhật ký có lẽ là cuối cùng trên thế giới, đã phải lòng Eunice Park - một cô gái trẻ gốc Hàn mà theo gã là “đáng yêu khôn cưỡng”. Từ khi có Eunice, gã mới bắt đầu mơ đến vĩnh hằng một cách có ý nghĩa.
Có điều tình yêu ấy đã diễn ra trong một nước Mỹ kiệt quệ về cảm xúc, bị cầm tù trong công nghệ và chủ nghĩa tiêu dùng, bị Trung Quốc qua mặt, châu Âu rời xa, chính quyền thọc mũi vào đời tư của từng người dân không cần che giấu… Bởi thế, sau tất cả những chế giễu, cười cợt, những cường điệu lố bịch đến khó có thể hình dung vốn đã thành phong cách của Gary Shteyngart, bên dưới câu chuyện tình đích thực ấy vẫn là một dòng chảy buồn bã rã rời, âm thầm đặt ra những câu hỏi về nhân tính trong một thế giới hỗn loạn đang trên đà tan nát.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Mỹ Edmund White viết ra dòng cảm nhận về “Chuyện tình đích thực siêu buồn” một cách đầy thán phục: “Một trong những tác phẩm hài hước và đáng sợ nhất tôi từng đọc. Tất cả các chi tiết Gary Shteyngart viết ra đều quá đỗi thuyết phục. Không chỉ là cây bút trào phúng tuyệt vời nhất của chúng ta, Gary còn có thể khiến các thiên thần (và người thường) bật khóc với cách cậu ta viết về tình yêu và sự mong manh”. Thực ra sự thuyết phục này, điệu cười bỡn cợt tưởng như chỉ giễu nhại này đã ít nhiều được người đọc Việt nhận ra trong cuốn “Cộng hòa phi lý” trước đây, mà có người nhận định rằng: Có cái lý trong nước cộng hòa phi lý!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần