Mỗi tuần một cuốn sách: “Của để dành” của mỗi người là gì?

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã từ lâu, người ta đọc Nguyễn Thị Thu Huệ không như một tác giả của những truyện cụ thể nữa, mà đọc một giọng văn đặc biệt.

Chính vì vậy, đông đảo độc giả đã đến để giao lưu với Nguyễn Thị Thu Huệ trong buổi trình làng tập truyện “Của để dành”. Họ cùng trăn trở câu hỏi: Của để dành của chúng ta trong cuộc đời là gì, hay chính là câu hỏi muôn thuở về mục đích sống. Trên tất cả những vật chất phù du, những hạt mầm thánh thiện vẫn được dành để gieo những mùa sau.
 
Tập truyện 450 trang của Nguyễn Thị Thu Huệ tập hợp gần 50 truyện ngắn, bao gồm những tác phẩm đã tạo nên dấu ấn của nữ tác giả trong làng văn nước nhà với “Biển ấm”, “Cát đợi”, “Cầu thang”, “Coi như không biết”, “Tình yêu ơi, ở đâu”, “Đêm dịu dàng”, “Của để dành”... Những câu chuyện trong “Của để dành” gắn với những vấn đề của xã hội Việt Nam thời đổi mới và cả thập niên tiếp sau đó. Dưới con mắt của một người nữ, những truyện ngắn vẫn tập trung đối diện những băn khoăn, khắc khoải về thân phận của nữ giới. Thực ra họ cần được giải phóng không chỉ về vai trò thiên chức mà chính về nội tâm và định kiến của chính họ về bản thân.

Trong truyện ngắn, Nguyễn Thị Thu Huệ gọi ra một không khí đô thị ngột ngạt vì sự biến động về không gian lẫn sự quẫy đạp của dục vọng. Các nhân vật phụ nữ thường có nhan sắc và ý thức mạnh về bản thân. Một mặt môi trường xã hội đổi mới tạo cơ hội cho tính nữ được giải phóng, được bộc lộ tự do hơn, nhưng mặt khác, Nguyễn Thị Thu Huệ cũng thấy khả năng hủy hoại tính nữ của môi trường ấy. Những nhát màu mạnh, những tông giọng riết róng, khiến cho các truyện trong tập “Của để dành” có dáng vẻ của một sản phẩm đa phương tiện mới mẻ.

Dù viết về những cảnh huống nghịch lý của đời sống hay những khát khao kiếm tìm cái gọi là hạnh phúc ở đời, các truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ đảm bảo một giọng sắc cạnh nhưng cũng trễ nải rất đàn bà. Người đọc gặp lại sự biến đổi của xã hội Việt Nam suốt hai thập niên qua những truyện ngắn đặc sắc trong tập sách này và cũng ghi nhận một phong cách Nguyễn Thị Thu Huệ trong văn đàn Việt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần