Mỗi tuần một cuốn sách: Đạm Phương nữ sử

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân dịp Quốc tế Phụ nữ (8/3), NXB Phụ nữ vừa giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “Đạm Phương nữ sử: Vấn đề phụ nữ ở nước ta” – nhân vật độc đáo trong cuộc canh tân dân tộc đầu thế kỷ XX. Hậu duệ của bà – nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng là một nhân vật tài năng của văn chương cách mạng Việt Nam.

Đạm Phương nữ sử là một phụ nữ học hạnh tinh nhuần, là cháu nội của vua Minh Mạng. Bà có tài sáng tác văn thơ bằng chữ Hán và tinh thông ngoại ngữ. Trong cuộc canh tân dân tộc đầu thế kỷ XX, nhận thấy vai trò của báo chí quốc ngữ, bà đã tham gia tích cực vào các hoạt động báo chí và đời sống xã hội, từ vấn đề phụ nữ mở sang nhiều vấn đề thiết hữu khác.
 
Trên cơ sở các sách đã xuất bản về Đạm Phương nữ sử và những tài liệu quý do gia đình tác giả cung cấp, cập nhật, bổ sung, nhà nghiên cứu Đoàn Ánh Dương đã công phu tuyển chọn công trình “Đạm Phương nữ sử: Vấn đề phụ nữ ở nước ta” để nhìn nhận toàn bộ các trước tác của bà trong sự nghiệp đấu tranh vì nữ quyền.

Cuốn sách gồm 4 phần. Phần 1 là các bài báo trình bày quan điểm về vấn đề phụ nữ, các bài báo về Nữ công học hội do Đạm Phương sáng lập, các khảo cứu về vấn đề phụ nữ được in thành sách và sáng tác văn thơ với chủ đề phụ nữ. Cuốn sách mang lại một cái nhìn tổng quan về những vấn đề thuộc nữ học, giúp phụ nữ thay đổi về nhận thức, điều chỉnh về hành vi khi xã hội Việt Nam bước vào thời kỳ cận hiện đại. Những vấn đề Đạm Phương nữ sử đặt ra là những vấn đề giáo dục thiết thân đối với phụ nữ.

Bà giảng giải cho phụ nữ từ việc trong nhà như: Nấu ăn, nuôi dạy con cái, quán xuyến gia đình: Bổn phận con gái, Làm sao mà gọi là nội tướng...; đến những việc ngoài xã hội: Đối nhân xử thế, lập nghiệp lập thân: Bàn về giáo dục con gái, Nên lập học hội chức nghiệp, Chị em ta đã biết ham muốn thực nghiệp... Bà giúp phụ nữ vừa biết cách làm đẹp, vừa nâng cao đời sống tinh thần như đọc sách báo, văn chương giải trí. Bà cũng là người có tầm nhìn xa, thấy được tính cấp thiết của việc thành lập Nữ công học hội, tờ báo quốc văn, cơ sở thơ xã cho phụ nữ. Những sáng tác văn chương của Đạm Phương nữ sử lồng ghép rất khéo những tư tưởng về vấn đề nữ học của bà, giúp mở rộng nhãn quan của phụ nữ bấy giờ về việc tự do kết hôn, giáo dục gia đình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần