Mỗi tuần một cuốn sách: Gợi nhớ làng quê một thuở

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với hơn 300 trang sách, nội dung phong phú không khác gì một “từ điển” về làng quê, Lê Bá Thự ngược thời gian trở về quá khứ những năm 1950 và đầu 1960, khi hòa bình lập lại để kể về “Tôi và làng tôi”.

Bằng ngòi bút chân thực, sinh động, đôi khi dí dỏm và trào lộng, tác giả kể lại cuộc sống nghèo khổ và lam lũ, song cũng rất hồn nhiên, lạc quan của dân làng Nguyệt Lãng (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) và bản thân ông. Ăn khoai độn, trồng lúa đồng sâu, mò cua bắt ốc, chăn thả gia súc…

 

gian khổ là vậy nhưng người dân làng vẫn lạc quan yêu đời. Hình ảnh tác giả tự khắc họa là một đứa trẻ chăn bò tinh ranh, biết nhiều trò, thành thạo mọi công việc nhà nông. Điểm nhấn của cuốn sách là đã dựng lại cảnh quê, nếp quê điển hình ở nông thôn Việt Nam cách đây hơn nửa thế kỷ. Đến nay, cảnh quê, nếp quê cũng đã khác, thế nên cuốn sách quý ở mặt tư liệu. Người lớn tuổi hoài niệm nhận ra hình ảnh chính mình, người ít tuổi, nhất là lớp trẻ ở phố biết thêm nhiều kiến thức về những chuyện “lạ” như úp nơm, cắm câu bắt cá quả, kéo te bắt tôm tép, soi ếch, đồng sâu đồng cạn…

Đọc “Tôi và làng tôi”, nhiều độc giả như được sống lại với không khí của một thời đại, cảnh quan, nếp sống đã lui vào dĩ vãng, thế hệ trẻ thêm phần mường tượng về tuổi thơ của những người thế hệ trước. Trong lời giới thiệu cuốn sách, nhà thơ Trần Đăng Khoa gọi Lê Bá Thự là người “gọi hồn” làng. Những vẻ đẹp của làng quê, những hồn vía của làng quê xưa thấp thoáng trở về, rồi hiện lên nguyên vẹn, sắc nét trong cuốn sách.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần