Mỗi tuần một cuốn sách: Lắng lòng với “Sao con hỏi mà con kiến không trả lời?”

Thanh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có thể nói, 121 mẩu chuyện trong “Sao con hỏi mà con kiến không trả lời?” được nhà thơ Trần Lê Sơn Ý cần mẫn, tỉ mỉ ghi chép lại, như một món quà, một chiếc vé cho những ai mong muốn quay lại một lần với thời thơ ấu.

Cuốn sách được chia làm 3 phần chính: "Đôi khi, trẻ nói với ta bằng thông điệp"; "Làm gì có hai đứa trẻ giống nhau" và "Ghé ngang thơ ấu".

 

Giống như rất nhiều đứa trẻ khác, những đứa trẻ của Trần Lê Sơn Ý cũng có niềm đam mê đặc biệt với những chú kiến nhỏ. Chỉ khi có những giờ dài “nằm lăn dưới đất dõi theo một chú kiến nhỏ” thì những cô bé cậu bé mới phát hiện ra rất nhiều điều bất ngờ và lạ lẫm trong thế giới loài kiến: “Mỗi lần đi kiếm ăn, thấy miếng gì to khiêng không nổi là nó chạy đi kêu những con kiến khác tới cùng khiêng”, hay “Đang đi kiếm ăn mà thấy bạn bị thương là nó sẽ cõng bạn về, cõng không nổi nó sẽ kêu mọi người cùng cõng”… Từ những phát hiện của các con, dẫu chỉ là những phát hiện bé nhỏ như con kiến, nhưng cũng đủ nhen lên trong trái tim người mẹ sự ấm áp vô cùng. Người mẹ mà Trần Lê Sơn Y nhắc đến có niềm tin rằng: “Khi con đã nhìn thấy điều tốt lành từ một chú kiến nhỏ, con sẽ nhìn thấy nhiều điều tốt lành xung quanh con. Và khi đã cúi xuống thật gần, con sẽ thấy nhiều hơn, nhiều hơn những điều bé nhỏ kỳ diệu như một nụ hoa xoàng xĩnh nhưng lại có một mùi hương quá đỗi nồng nàn, một bạn bọ rùa màu vàng thay vì màu đỏ rực, một con bọ dài đi trên mặt nước…”.

Những câu chuyện trong “Sao con hỏi mà con kiến không trả lời?” là những câu chuyện thường nhật, là những tương tác, trò chuyện cùng con nhưng chính những điều đó lại làm nên sự thú vị, thu hút cho người đọc. Ở mỗi câu chuyện, như một cách tự nhiên, người đọc có cơ hội được bước vào thế giới hồn nhiên và trong trẻo, qua những tiếng cười, tiếng khóc, những đêm xem phim khuya, những lần rủ rê mẹ làm món ăn ưa thích, những cuộc đi dạo. Những câu chuyện đọc lên thoạt đầu không nhịn được cười, nhưng đằng sau tiếng cười ấy lại là sự lắng lòng bởi những tâm hồn đẹp đẽ, trong sáng và giàu trắc ẩn. Có thể nói, “Sao con hỏi mà con kiến không trả lời?” không chỉ mang đến những câu chuyện dung dị, bổ ích, mà còn nhiều bài học rất đáng suy ngẫm từ tình yêu thương. Không chỉ những đứa trẻ mới cần phải học những bài học mà người lớn mang đến, mà nhiều lúc chính những đứa trẻ cũng có thể mang đến cho người lớn bài học quý giá.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần