Mỗi tuần một cuốn sách: Yêu không gian làng quê cùng “Xóm Bờ Giậu”

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập truyện đồng thoại “Xóm Bờ Giậu” của nhà văn Trần Đức Tiến tựa như những thước phim đầy phép nhiệm màu về thiên nhiên nơi làng quê.

Từng ngọn cỏ, nhành cây, chú dế, bác giun đất… đều được khắc họa một cách sinh động và thú vị. Tập truyện đồng thoại vừa là một trong những đầu sách “hot” tại Hội sách Hà Nội 2018.
 

Bờ giậu là cách gọi nôm na chỉ những hàng rào được dựng bằng tre nứa để ngăn giữa nhà này với nhà kia, hay ngăn giữa nhà với ao cá, mảnh vườn. Nhưng “Xóm Bờ Giậu” trong truyện của nhà văn Trần Đức Tiến là một nơi đầy ắp tiếng cười và không kém phần thi vị. Nơi đây, có rất nhiều người bạn nhỏ dễ thương như: Thi sĩ Dế Còm, cụ giáo Cóc, anh Thằn Lằn làm nghề thợ săn hay cô người mẫu Ốc Sên. Đọc “Xóm Bờ Giậu”, các bạn nhỏ sẽ bị lôi cuốn bởi cách sử dụng nghệ thuật nhân hóa tài tình của tác giả. Một chú Dế Còm có tâm hồn lãng mạn như nghệ sĩ, một cụ giáo Cóc hiền từ, sống có tình có nghĩa, một cô Ốc Sên kiêu kì nhưng biết lắng nghe… Các nhân vật của nhà văn Trần Đức Tiến đều được xây dựng kỹ lưỡng và rất có hồn. Đọc “Xóm Bờ Giậu”, người ta liên tưởng đến nhiều tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng, đã ở trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ như: Cái Tết của Mèo con, Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công, Dế Mèn phiêu lưu kí… Thông qua hình tượng các nhân vật như: Kiến, cụ giáo Cóc, cô Ốc Sên, anh Thằn Lằn… nhà văn Trần Đức Tiến mang đến cho các độc giả nhí những bài học ý nghĩa về lòng dũng cảm, đức tính chăm chỉ, yêu lao động. Bên cạnh đó, những câu chuyện trong “Xóm Bờ Giậu” cũng ẩn chứa nhiều truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam như: Tình làng nghĩa xóm, lòng yêu quê hương, đạo lý uống nước nhớ nguồn…

Nhà văn Trần Đức Tiến là một người tinh tế và thấu hiểu trẻ thơ. Suốt mấy chục năm cầm bút, nhiều sáng tác của ông đã được độc giả nhỏ yêu quý như: Vương quốc vắng nụ cười, Dế mùa thu, Thằng Cúp, Làm mèo…Tình yêu thương và sự trong trẻo hồn nhiên của tuổi nhỏ chính là cảm hứng bất tận để ông gắn kết với văn học thiếu nhi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần