Mong đợi danh hiệu di tích quốc gia cho cụm đình, chùa, miếu làng Văn Lôi

Bài và ảnh: Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cụm di tích đình, chùa, miếu làng Văn Lôi (thuộc xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, Hà Nội) chứa đựng nhiều di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học nổi bật. Mong muốn giữ gìn và phát huy những giá trị cha ông để lại, người dân làng Văn Lôi đang mong đợi cụm di tích sớm được xếp hạng di tích quốc gia và trở thành điểm dừng chân không thể bỏ qua đối với du khách đến khám phá Mê Linh.

 Quang cảnh đình Văn Lôi.
Văn Lôi xa xưa có tên là Cổ Lôi trang, nay thuộc xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, Hà Nội. Đình Văn Lôi đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia năm 1986. Đình có kiến trúc chữ Đinh, được xây dựng từ lâu nhưng cũng đã qua nhiều dịp tu sửa. Ngôi đình hiện nay được trùng tu vào đời Nguyễn, còn giữ được những bức chạm Tứ linh là dấu vết bàn tay người thợ điêu khắc tài hoa làm chứng.
 Điêu khắc rồng trong đình Văn Lôi.
 Cụ Nguyễn Tăng Hoạt – ban hậu tự đình Văn Lôi.
Ngoài ra, cụ Nguyễn Tăng Hoạt – ban hậu tự đình Văn Lôi cho biết: Trong đình có bức đại tự với 3 chữ “Cổ Dĩ Lôi” nghĩa là Tiếng sấm lớn. Theo bản thần tích của đình làng được Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) hiện còn lưu giữ, khi Lũ Lũy tướng quân (tướng lĩnh theo giúp Hai Bà Trưng đánh giặc, được phong Chỉ huy sứ Thượng tướng quân) đi đánh giặc cho nổi trống huy động 3.000 trai tráng, tiếng trống nổi lên như tiếng sấm dậy. Trong đình có nhiều sắc phong quý như: Sắc phong năm Tự Đức thứ 6 (1853), năm Tự Đức thứ 33 (1880), năm Đồng Khánh thứ 2 (1886), năm Khải Định thứ 9 (1924),… Đấy là chưa kể những đạo sắc phong khác, đã thất tán.
 Đình Văn Lôi đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia năm 1986.
Cách đó không xa là đền Mẫu thôn Văn Lôi thờ Nương Tứ, thân mẫu của thành hoàng Lũ Lũy. Đời vua Lê Đại Hành tặng phong Thánh Mẫu Nương Tứ Trinh Nhất Từ Tường Phu Nhân cùng phối thờ với thành hoàng.
 Đền Mẫu thôn Văn Lôi.
Cụ Phùng Văn Kìm – thủ từ đền Mẫu Văn Lôi chia sẻ: Trải qua nhiều thăng trầm, ngôi đền cũng được tu sửa nhiều lần. Hiện trong đền còn thờ bức hoành phi tạo tác năm Kỷ Tỵ (1929) niên hiệu Bảo Đại thứ 5 với 4 chữ đại tự: Vạn cổ anh linh (nghĩa là: Linh thiêng muôn thuở). Đền mẫu thôn Văn Lôi còn lưu giữ một số sắc phong vào đời vua Duy Tân và Khải Định vinh danh Tứ Nương.
 Cụ Phùng Văn Kìm – thủ từ đền Mẫu Văn Lôi làm lễ.
Cùng với đó là câu đối do cựu hương trưởng xã Văn Lôi cung tiến năm Mậu Thìn (1928) tạm dịch là: “Mộng tốt hiện mây lành sinh ra thần tướng/ Danh thơm lưu ngọc phả, xứng đáng mẫu nghi”. Nằm nép mình bên gốc si, cây bàng cổ thụ, đền Mẫu là chốn thanh tịnh giúp người dân nơi đây thoát khỏi cuộc sống tất bật thường ngày.
 Quang cảnh đền Mẫu.
 Hậu cung đền Mẫu.
Chưa hết, thôn Văn Lôi còn có chùa Hưng Long, triết tự theo tiếng Hán xưa có nghĩa là Thịnh vượng. Không ai biết công trình được xây dựng năm nào. Căn cứ vào kiến trúc chùa hiện nay, có thể xác định chùa được tu sửa lớn vào đời Nguyễn. Trong chùa, có bức đại tự ghi 3 chữ “Long Hưng Tự”. Trên có dòng lạc khoản viết mấy chữ Hán "Long Phi Bính Ngọ". Chùa còn giữ được quả chuông đồng đúc năm Kỷ Dậu, niên hiệu Tự Đức thứ 2 (1849). Chính vì thế, một số nhà nghiên cứu cho rằng chùa được tu sửa vào năm Bính Ngọ - 1846 đời vua Thiệu Trị triều Nguyễn.
 Quang cảnh chùa Hưng Long.
Chùa Văn Lôi còn 2 câu đối trên dòng lạc khoản cho biết câu đối được tiến về chùa năm Đinh Mão (1927) - đời vua Bảo Đại - vừa tròn 90 năm. Cả hai câu đối này đều dẫn tích của nhà Phật với nội dung: 18 xứ đều xưng tụng Phật là Vị chúa tể chân chính của Già Lam. Ca ngợi Phật là chúa tể của Già Lam, là tổng trấn của Hưng Long. Đại ý là sự mầu nhiệm của nhà Phật khiến nơi nơi hâm mộ. Không gian chùa rộng rãi, khoáng đạt, cây cối xanh tốt quanh năm, là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn quên đi sự ngột ngạt ở thành thị.
 Chùa Văn Lôi còn 2 câu đối trên dòng lạc khoản cho biết câu đối được tiến về chùa năm Đinh Mão (1927) - đời vua Bảo Đại - vừa tròn 90 năm.
Theo cụ Nguyễn Tăng Hoạt, cụm công trình tâm linh đình, chùa, miếu làng Văn Lôi rất linh thiêng và lưu giữ được nhiều sắc phong quý, được nhân dân làng Văn Lôi bảo vệ kỹ lưỡng nhưng không tránh khỏi sự xuống cấp. Người dân làng Văn Lôi mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm xem xét xếp hạng di tích quốc gia đối với cụm di tích để công tác bảo tồn, duy tu được thực hiện tốt hơn.
 Quả chuông đồng đúc năm Kỷ Dậu, niên hiệu Tự Đức thứ 2 (1849) còn được lưu giữ tại chùa Hưng Long.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đồng cho biết: Hiện nay, đình Văn Lôi, chùa Hưng Long và đền Mẫu được thôn Văn Lôi thường xuyên quan tâm bảo tồn, tu sửa. Tuy nhiên, các công trình đều đã xuống cấp, kinh phí của xã không đảm bảo sửa được hết tất cả các hạng mục. Do đó, xã Tam Đồng mong muốn cụm công trình được cơ quan văn hóa các cấp quan tâm nhiều hơn. Cùng với đó là mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm công nhận cụm công trình trở thành di tích cấp quốc gia. Xã Tam Đồng cũng đề nghị với huyện Mê Linh sớm kết nối cụm di tích của thôn Văn Lôi với các điểm tham quan nổi tiếng của huyện như Đền thờ Hai Bà Trưng, Đồi 79 Mùa Xuân để xây dựng tour, tuyến và phát triển du lịch của địa phương.
 Chùa Hưng Long quanh năm rợp bóng cây xanh.
Về vấn đề này, ông Đặng Văn Cường - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mê Linh cho biết, cụm công trình đình Văn Lôi, chùa Hưng Long, đền Mẫu thuộc thôn Văn Lôi, xã Tam Đồng có diện mạo rất đẹp. Đặc biệt, cả 3 công trình đều được nhân dân bảo vệ tốt, vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo điều kiện để đón du khách tham quan. Trong kế hoạch phát triển du lịch huyện Mê Linh năm 2018 và những năm tiếp theo, huyện xác định ưu tiên cho 2 sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái. Với du lịch tâm linh lấy đền thờ Hai Bà Trưng – Di tích quốc gia đặc biệt là trọng điểm, tiếp đến là đền thờ các tướng lĩnh của Hai Bà Trưng, trong đó có đình Văn Lôi.