Mong sao mọi người dân đều làm du lịch

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua, trong ngày đầu tiên của năm mới, một sự kiện đáng chú ý đã diễn ra. Đó là ngành Du lịch Hà Nội đón vị khách quốc tế đầu tiên đến xông đất Thủ đô, ông Timo Kux đi trên chuyến bay của Vietnam Airlines từ Frankfurt, CHLB Đức tới Hà Nội vào 6 giờ 30 ngày 1/1/2019.

Tại buổi lễ, Giám đốc Sở Du Lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết, năm 2019 Hà Nội đặt mục tiêu đón 28,58 triệu lượt khách, tăng 9,8% so với năm 2018, trong đó có 6,68 triệu lượt khách quốc tế.
 Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội tặng hoa cho vị khách quốc tế xông đất Thủ đô Hà Nội năm 2019 - ông Kux Timo. Ảnh: Hồ Hạ.
Cùng với sự tăng trưởng ấn tượng, 2018 là năm ngành du lịch Hà Nội được đánh giá cao về hoạt động du lịch. Thành phố được bình chọn xếp thứ 12 trong số 25 điểm đến tốt nhất thế giới năm 2018. Hà Nội cũng là một trong 17 ứng viên được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới đề cử vào hạng mục bình chọn giải thưởng “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới 2018”.

Đó là thành quả của sự cố gắng nhiều mặt của ngành du lịch Thủ đô. Cũng cần ghi nhận rằng, để đạt được những kết quả nêu trên, ngành Du lịch cùng các cơ quan chức năng của Hà Nội đã rất tích cực nhằm cải thiện môi trường du lịch của TP. Đó là tìm kiếm, xây dựng những sản phẩm du lịch mới, nâng cấp, hoàn thiện những sản phẩm du lịch vốn có, tích cực phối hợp xử lý nghiêm các vụ “chặt chém” khách du lịch, đem lại sự an toàn, môi trường thân thiện cho du khách. Cũng trong năm 2018, Cổng thông tin hỗ trợ, hoạt động 24/7 đã được thiết lập, kịp thời xử lý những vấn đề “nóng” của du khách.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng để đánh giá sự phát triển bền vững, không chỉ căn cứ vào những con số. Với du lịch cũng vậy. Sự tăng trưởng về số lượng khách du lịch là đáng ghi nhận, nhưng để du lịch thật sự cất cánh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn còn phải quan tâm phấn đấu cho những tiêu chí khác nữa. Đó là số ngày khách lưu trú, lượng tiền tiêu của mỗi người trong thời gian lưu trú và đặc biệt là lượng khách quay trở lại sau khi đã rời đi. Tỷ lệ khách du lịch quay lại Việt Nam, theo số liệu khảo sát mới công bố tháng 10/2018 của Tổng cục Du lịch là 40%, cao hơn con số 33% của năm 2013. Trong khi đó, theo Hiệp hội Du lịch Thế giới, tỷ lệ du khách quay lại Việt Nam chỉ đạt dưới 10%. Chắc với Hà Nội cũng không là ngoại lệ.

Về vấn đề khách du lịch nước ngoài ít quay lại Việt Nam trong đó có Hà Nội, ông Carl Robinson, một người Australia làm du lịch nhận xét: Quảng bá du lịch thiếu đồng bộ, chính sách miễn thị thực chưa hợp lý và sự thương mại hóa chóng mặt phần nào cản trở du khách quay trở lại Việt Nam. Từng làm phóng viên chiến trường ở Việt Nam, lấy vợ Việt và cũng không ít lần đưa khách du lịch từ Australia sang, nghĩa là rất gần gũi và am hiểu đất nước chúng ta, ông Carl Robinson đã thực sự thấy tiếc khi cho đến giờ, Việt Nam vẫn được xem là điểm đến tuyệt vời nhưng tiềm năng du lịch chưa được khai phá đúng mức.

Những nguyên nhân như ông Carl Robinson nêu ra là dễ thấy, đã được nhận diện và đang dần được khắc phục. Tuy nhiên, nói như cô Anna, một du khách người Ba Lan đã đặt chân tới hơn 78 quốc gia, mặc dù đã chuẩn bị tinh thần cho việc bị "chặt chém" và sốc văn hóa, nhưng cô và bạn bè vẫn gặp nhiều chuyện nằm ngoài tầm kiểm soát khi đến Hà Nội. Trong bài viết của mình, Anna đã kể ra những điều mà cô gọi là ngoài tầm kiểm soat ấy. Từ việc chứng kiến chuyện thức ăn đường phố dù “được chế biến ngay trên vỉa hè” như cô đã đọc, đã cảm thấy thích thú, nhưng cạnh đó lại là một đứa trẻ đang “giải quyết nỗi buồn”, còn bát đĩa thì được rửa ngay bên đống rác và "Tệ nhất là khi bạn phát hiện ra mình phải trả đắt gấp ba lần người bản địa, họ sẽ cười nói với nhau trước mặt bạn", cô tiết lộ. Sau tất cả những trải nghiệm đáng buồn đó, Anna cho rằng bất cứ du khách nước ngoài nào tại Hà Nội cũng từng gặp cảnh "chặt chém", chỉ là họ không biết hoặc không muốn biết điều đó.

Có thể những cảm nhận của nữ du khách người Ba Lan là chưa thật chính xác, song những chuyện “ngoài tầm kiểm soát” mà cô Anna gặp phải là có thật và dường như cũng đang nằm ngoài tầm kiểm soát của ngành du lịch cùng các cơ quan chức năng của TP. Để khắc phục tình trạng trên, bên cạnh những biện pháp thanh kiểm tra, xử lý một cách nghiêm khắc, một điều rất quan trọng khác cũng cần được thực hiện một cách căn cơ. Đó là làm sao để người dân TP, từ một người bán hàng rong, anh lái taxi, bà chủ quán ăn đường phố hay một cô lễ tân trong khách sạn, kể cả những người dường như không liên quan, đều ý thức được rằng họ đang tham gia làm du lịch, và chính họ, gia đình họ và cả cộng đồng sẽ được hưởng lợi nếu làm cho du khách cảm thấy hài lòng và được đối xử thân thiện và mong muốn sẽ quay trở lại.

Điều đó xem ra còn khó hơn rất nhiều lần khắc phục những nguyên nhân chủ yếu đã nêu ra ở trên. Bởi nó nằm trong nền tảng ý thức, văn hóa. Nó đòi hỏi ở mỗi con người lòng tự trọng, tình yêu với TP mà mình gắn bó. Trong khi đó, dù rất đáng buồn vẫn phải nhìn nhận đó là một trong những thiếu hụt của một bộ phận không nhỏ người dân Hà Nội.