Mong Thành phố sớm thông qua vườn ươm công nghiệp hỗ trợ

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công nghiệp hỗ trợ được coi là thế mạnh để phát triển ngành công nghiệp Việt Nam, nhiều đề xuất cơ chế chính sách… phát triển vườn ươm khởi nghiệp đã được đại diện ngành này kiến nghị với Thành phố Hà Nội để phát triển.

Trong phiên đối thoại của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung với cộng đồng DN khởi nghiệp và Khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô, chiều 25/8, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA), Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (SCSI) đưa ra những kiến nghị để phát triển khu vực này, trong đó có hỗ trợ cho lĩnh vực khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Vân đề nghị, Thành phố sớm phê duyệt Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố Hà Nội đến năm 2020”. Kêu gọi thêm các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại cổ phần, quỹ đầu tư Nhà nước của Thành phố tham gia vào việc hỗ trợ nguồn lực tài chính ban đầu thành lập doanh nghiệp của cộng đồng khởi nghiệp Hà Nội.

“HANSIBA cùng SCSI hoàn toàn nhất trí với chủ trương phát triển hệ thống Vườn ươm doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố và coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp” – ông Nguyễn Vân nói.

Đồng thời cho biết, hiện Thành phố đã có chủ trương đầu tư xây dựng Vườn ươm cơ khí nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp ngành này, trong đó có công nghiệp hỗ trợ. Do đó, với mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các Vườn ươm Doanh nghiệp, HANSIBA đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội nghiên cứu xây dựng lộ trình xây dựng Vườn ươm Doanh nghiệp trong đề án. Vị này cũng cho rằng, cần sớm xây dựng, đầu tư hình thành “Vườn ươm công nghiệp hỗ trợ” trong lĩnh vực điện – điện tử; sản xuất sản phẩm linh kiện ô tô – xe máy; công nghệ thông tin phần cứng; cơ khí chế tạo tại Khu công nghiệp hỗ trợ nam Hà Nội. Đây được xem là sự hỗ trợ cho các Doanh nghiệp khởi nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ của Thủ đô về đất đai, nhà xưởng, cũng như nghiên cứu phát triển, chế tạo các sản phẩm.

Ngoài ra, có định hướng, cơ chế ưu đãi rõ đối với những “dự án Tốt” cả về nguồn lực tài chính, từ Quỹ đầu tư mạo hiểm và Công ty Cổ phần Đầu tư & Hỗ trợ khởi nghiệp Hà Nội – dự kiến được thành lập; Thành phố cần bố trí nguồn kinh phí để phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ hỗ trợ.

Thống nhất với nội dung đề án, tuy nhiên ông Nguyễn Vân cho rằng, nên làm rõ mục tiêu hỗ trợ khởi nghiệp phải gắn chặt với chủ trương định hướng phát triển kinh tế của Nhà nước và của Thành phố. Theo đó, cần phân chia theo các nhóm lĩnh vực ngành nghề như: Lĩnh vực Công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực Nông nghiệp công nghệ cao,... từ đó xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển các lĩnh vực ngành nghề cần ưu tiên phát triển.

Để giúp cho việc hỗ trợ các Doanh nghiệp khởi nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ được sát thực và hiệu quả hơn, ông Nguyễn Vân mong muốn bổ sung đại diện lãnh đạo Hiệp hội HANSIBA tham gia vào “Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp Thành phố”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần