Moody's hạ tín nhiệm quốc gia của Việt Nam: Hệ lụy cho dòng vốn

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau thông báo về việc xem xét hạ bậc tín nhiệm quốc gia (từ mức Ba3 hiện nay) đối với các khoản vay bằng nội tệ và ngoại tệ của Chính phủ Việt Nam, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (“Moody’s”) tiếp tục ra thông báo về việc đưa 17 ngân hàng Việt Nam vào diện xem xét hạ bậc xếp hạng tín nhiệm trong kỳ tới. Moody’s dự kiến sẽ hoàn thành đánh giá xếp hạng trong 3 tháng tới.

Ngân hàng cũng chịu ảnh hưởng
Trong số các ngân hàng Việt bị Moody’s đưa vào diện xem xét lần này có cả 4 ngân hàng quốc doanh gồm: Agribank, Vietinbank, Vietcombank và BIDV và 13 ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tương đối lớn gồm: ABB, ACB, HDBank, LienVietPostBank, MBBank, NamABank, OCB, SHB, TPBank, VIB, MSB, VPBank và Techcombank.
Thông tin có thể hạ bậc tín nhiệm hoàn toàn không vui chút nào, khi đặt trong bối cảnh nhiều ngân hàng đang có kế hoạch mở rộng thị trường gọi vốn trên thị trường quốc tế. Có thể điểm danh hàng loạt ngân hàng khác cũng đang lên kế hoạch huy động trái phiếu quốc tế, chẳng hạn như SHB lên kế hoạch phát hành 500 triệu USD, TPBank cũng muốn gọi thêm 200 triệu USD.
Khách hàng giao dịch tại AgriBank chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Không chỉ huy động vốn quốc tế mà các ngân hàng cũng tăng cường phát hành trái phiếu nội địa. Thống kê của Công ty Chứng khoán SSI mới đây cho biết trong 9 tháng đầu năm, các ngân hàng đã huy động thêm 75.936 tỷ đồng dưới hình thức phát hành trái phiếu, đa dạng kỳ hạn dài lẫn ngắn.
Thực tế, việc điểm tín dụng bị suy giảm sẽ khiến mức lãi suất của các nhóm trái phiếu tăng mạnh và nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài sẽ đòi hỏi mức lãi suất cao hơn với các khoản nợ vay rủi ro. Điều này có thể sẽ gây tác động tiêu cực với các nhóm DN, tổ chức hoặc cơ quan chính phủ đã và đang phát hành trái phiếu cho các NĐT ngoài nước. Đặc biệt là trong công đoạn quản lý dòng tiền của hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính và các dự án trọng điểm.
Cần đưa ra góc nhìn đầy đủ
Bộ Tài chính Việt Nam đã lên tiếng không đồng tình với động thái của Moody’s. Theo Bộ Tài chính, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh trong việc thanh toán, ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của bên cho vay.
Bộ Tài chính cũng khẳng định: “Việc Moody’s đưa Việt Nam vào diện xem xét để hạ bậc chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ mà bỏ qua các nỗ lực Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong duy trì bình ổn kinh tế vĩ mô là chưa thực sự thuyết phục”.
Trong khi đó, ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến một quốc gia bị hạ tín nhiệm như dòng vốn bị rút mạnh, lạm phát, dự trữ ngoại hối giảm, thâm hụt cán cân vãng lai…
Với Việt Nam, việc thanh toán chậm không phải là không có tiền. Việt Nam có dự trữ lớn, cao hơn mục tiêu đặt ra và năm qua cũng chi tiêu thấp hơn nữa, vấn đề nằm ở sự chậm trễ trong sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ và đây là mấu chốt Việt Nam cần tập trung cải thiện.
Hiện tại, Việt Nam đang được 3 tổ chức xếp hạng đánh giá là Moody’s, Fitch và S&P (DBRS chưa đánh giá xếp hạng Việt Nam). Mức xếp hạng và đánh giá đều được cải thiện đáng kể nhờ sự cải thiện và ổn định vĩ mô của nền kinh tế trong 3 năm qua. Yếu tố này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động trái phiếu quốc tế với chi phí huy động thấp. Trường hợp ngược lại, ảnh hưởng dễ thấy nhất của việc bị hạ xếp hạng tín nhiệm là chi phí lãi suất huy động vốn, cổ phiếu, trái phiếu cho NĐT nước ngoài sẽ cao hơn so với hiện tại.
Liên quan tới thông tin này, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho hay, với Vietcombank, hạn mức tín nhiệm hiện nay đang ở mức tối đa – tức ngang bằng với tín nhiệm quốc gia. Nếu tín nhiệm quốc gia bị hạ thì tín nhiệm DN cũng sẽ bị hạ xuống.
“Tuy nhiên, Moody's cũng liên tục rà soát, đánh giá. Vì vậy, bằng các lập luận của mình, chúng ta cần phải chứng minh với họ rằng, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt, không có lý do gì để giảm xếp hạng tín nhiệm với quốc gia, DN" - ông Tùng nói.
Phân tích của Công ty Chứng khoán BSC cho rằng, với dự trữ ngoại hối lớn và các yêu cầu tài chính ở mức thấp, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đáp ứng các nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, bản đánh giá sắp tới sẽ kiểm tra xem liệu những điểm yếu về thể chế tài chính của Việt Nam có dẫn tới khả năng các khoản thanh toán tương lai có bị trì hoãn hoặc bỏ lỡ. Trong 3 tháng tới, Việt Nam có thể sẽ làm việc chặt chẽ với Moody's để đảm bảo hạng tín nhiệm Ba3 của mình.

"Xếp hạng tín nhiệm ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác nhau của nền kinh tế và thị trường tài chính, tác động đến dòng vốn quốc tế chảy vào Việt Nam. Với điểm tín nhiệm quốc gia mức thấp, thì các ngân hàng khó mà tín nhiệm cao, vì thế việc có 17 ngân hàng có nguy cơ bị hạ bậc tín nhiệm (tức một nửa số ngân hàng TMCP hiện nay bị giảm điểm) là không tích cực.

Các cơ quan quản lý cần chủ động làm việc, giải thích rõ ràng với các hãng xếp hạng để có góc nhìn đầy đủ và không ảnh hưởng đến hạng tín nhiệm của Việt Nam. " - TS Nguyễn Trí Hiếu