Moody’s: Malaysia hưởng lợi lớn nhất từ CPTPP

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody's) cho biết Malaysia được cho là nước hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP, vì thỏa thuận sẽ cung cấp khả năng tiếp cận tới các thị trường mới, bao gồm Canada, Peru và Mexico.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody's) cho rằng lợi ích kinh tế của tất cả thành viên tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ ít hơn khi không có sự tham gia của Mỹ. Tuy nhiên, hiệp định này vẫn sẽ thúc đẩy xuất khẩu và thu nhập của tất cả các nước thành viên, đồng thời giúp duy trì nỗ lực cải cách ở một số quốc gia.
 11 quốc gia thành viên của CPTPP đã ký kết một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) có điều chỉnh vào ngày 8/3.
Hãng Moody's hôm 9/3 công bố báo cáo phân tích “Châu Á-Thái Bình Dương và châu Mỹ: Hiệp định CPTPP sẽ tạo lợi ích cho tất cả thành viên nhưng lợi ích sẽ ít hơn khi không có sự tham gia của Mỹ”.
Báo cáo của Moody’s lý giải rằng, vào ngày 8/3/2018 (giờ địa phương), 11 quốc gia thành viên của CPTPP đã ký kết một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) có điều chỉnh mà không có sự tham gia của Mỹ.
Thỏa thuận mới được đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), với 11 thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Theo báo cáo của Moody's, so với TPP gốc, Việt Nam, Malaysia và Nhật Bản bị mất nhiều các cơ hội thương mại, vì các nước này hưởng lợi nhiều nhất từ khả năng tiếp cận tốt hơn tới thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, Moody's đánh giá Malaysia sẽ được cho là người hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP, vì thỏa thuận sẽ cung cấp khả năng tiếp cận tới các thị trường mới, bao gồm Canada, Peru và Mexico, và tạo lợi ích cho các công ty xuất khẩu dầu cọ, cao su và thiết bị điện tử.
Bên cạnh đó, thu nhập thực ở Singapore, Brunei, Việt Nam và Peru cũng sẽ cao hơn so với trường hợp không ký kết CPTPP.
Về vấn đề cải cách, Moody’s cho hay, vì hàng rào thương mại và phi thương mại thấp hơn của CPTPP còn phụ thuộc vào các cuộc cải cách của từng quốc gia, thỏa thuận này sẽ giúp duy trì đà cải cách trong nước.
Các nỗ lực cải cách có thể đẩy mạnh tính cạnh tranh và đầu tư, cũng như cải thiện chất lượng thể chế theo thời gian của các nước thành viên. Bên cạnh đó, các lợi ích sẽ lớn nhất đối với Peru, Vietnam, Mexico và Brunei.
Moody’s cũng cho biết nếu CPTPP tiếp nhận thêm thành viên là các nền kinh tế lớn khác ở châu Á như Indonesia, Hàn Quốc, Philippines, Đài Loan và Thái Lan, thì mức tăng về thu nhập thực của các thành viên sẽ lớn hơn rất nhiều so với thỏa thuận CPTPP hiện tại và còn cao hơn cả TPP gốc, theo ước tính của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần