Morgan Stanley: Leo thang thương chiến Mỹ - Trung có thể dẫn đến suy thoái kinh tế

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Morgan Stanley dự báo sẽ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu trong trường hợp Mỹ tiếp tục tăng thuế lên 25% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc trong vòng 4 - 6 tháng tới.

Ngân hàng Morgan Stanley hôm 5/8 cảnh báo xảy ra cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu trong vòng 3 quý tới nếu Chính phủ Mỹ tiếp tục áp đặt chính sách thuế quan mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong những tháng tới và động thái đáp trả của Trung Quốc.
Morgan Stanley cảnh báo leo thang thương chiến Mỹ - Trung có thể dẫn đến suy thoái kinh tế trong vòng 9 tháng tới.
“Chúng tôi cho rằng nếu xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục dâng cao hơn trong thời gian sắp tới, sẽ xuất hiện thêm nhiều rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu” - ông Chetan Ahya - nhà kinh tế trưởng của Morgan Stanley nhận xét.
Trong một lưu ý gửi các nhà đầu tư hôm 5/8, chuyên gia Ahya cho biết: “Ngân hàng Morgan Stanley cho rằng có thể xảy ra một cuộc suy thoái toàn cầu trong vòng 9 tháng tới trong trường hợp cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục tăng nhiệt khiến Mỹ áp thuế mới lên mức 25% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong vòng 4-6 tháng nữa".
Ông Ahya cảnh báo, nhiều khả năng kinh tế toàn cầu sẽ phải  chứng kiến một cuộc suy thoái trong vòng 3 quý tới.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump hôm 1/8 bất ngờ tuyên bố Mỹ sẽ tăng thuế lên 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại được nhập khẩu của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/9.
Theo chuyên gia Ahya, khoảng 2/3 số hàng hóa Trung Quốc chịu mức thuế mới này là hàng tiêu dùng, điều này có thể dẫn đến một tác động rõ rệt hơn đối với người dân Mỹ so với các tăng thuế trước đó.
Theo Reuters, tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc trong ngày 5/8 đã giảm giá quá ngưỡng 7 NDT/USD, mức thấp nhất trong 11 năm. Mốc 7 bị phá sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ngày 5/8 hạ tỷ giá tham chiếu đồng NDT về mức thấp nhất trong 8 tháng, động thái sẽ làm gia tăng thêm căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Giới phân tích cho rằng quyết định của PBoC được xem là sự trả đũa đối với việc Tổng thống Trump tăng thuế bổ sung 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại từ ngày 1/9. Tuy nhiên, PBoC lên tiếng phủ nhận cáo buộc nói rằng họ thực hiện quyết định này như một phản ứng có chủ ý.
Trong một diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm 5/8 cho biết, chính phủ đã xác định rằng Trung Quốc đang thao túng tiền tệ và Washington sẽ cùng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế xóa bỏ lợi thế cạnh tranh không lành mạnh của Bắc Kinh.
Chuyên gia Ahya nói rằng các ngân hàng trung ương toàn cầu, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), sẽ thực hiện thêm biện pháp để hỗ trợ chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, theo chuyên gia của Morgan Stanley, những biện pháp này khó có thể thúc đẩy sự phục hồi tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh sự không ổn định về chính sách thương mại tiếp tục kéo dài.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần