Moscow sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Washington thông qua lệnh trừng phạt mới

Nguyễn Phương (Theo RT, Sputnik)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện) Nga Vladimir Dzhabarov ngày 27/7 cho biết, trong trường hợp Thượng viện Mỹ và Tổng thống Donald Trump thông qua dự luật trừng phạt mới chống lại Nga, để đáp lại Moscow có thể trục xuất 35 nhà ngoại giao Mỹ, cũng như thu giữ tài sản của Đại sứ quán nước này.

Ông Dzhabarov khẳng định Nga đã chuẩn bị biện pháp kinh tế và chính trị để đưa ra trong trường hợp Thượng viện và Tổng thống Mỹ thông qua dự luật trừng phạt mới bởi “chúng ta chẳng còn gì để mất”.
"Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua dự luật mới áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, chúng tôi có quyền đưa ra các hành động trả đũa, kể cả các biện pháp ngoại giao", ông Dzhabarov nói.
Ông Dzhabarov cũng nhấn mạnh, Moscow sẽ không sợ sệt bất kỳ lệnh trừng phạt nào và sẽ nỗ lực nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững.
 Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết những lệnh trừng phạt mới “khá đáng buồn xét về quan hệ Nga-Mỹ. Ảnh: Reuters 
Trước đó, hôm 25/7, với 419 phiếu thuận và 3 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, Iran và Triều Tiên, đồng thời giới hạn khả năng của ông Trump trong việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga. 
Dự luật trừng phạt này nhắm tới các ngành công nghiệp quốc phòng, tình báo, khai mỏ, đóng tàu và đường sắt của Nga. Đồng thời, hạn chế giao dịch với các ngân hàng và công ty năng lượng của Moscow. Dự luật này cho rằng dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 của Nga là một mối đe dọa đối với an ninh năng lượng của Ukraine và Liên minh châu Âu (EU). Dự luật trừng phạt Nga đề xuất cung cấp cho các đồng minh của Mỹ các gói viện trợ tài chính để đối phó với mối ảnh hưởng được cho là từ phía Moscow và các cuộc tấn công mạng có thể bởi các hacker Nga.    
 Dự luật này cho rằng dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 của Nga là một mối đe dọa đối với an ninh năng lượng của Ukraine và EU. Ảnh: Sputnik
Việc bỏ phiếu tại Hạ viện mới chỉ là bước đầu tiên trong quá trình thông qua dự luật. Dự luật cần phải được Thượng viện Mỹ phê chuẩn trước khi trình Tổng thống Trump ký thành luật.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết những lệnh trừng phạt mới “khá đáng buồn xét về quan hệ Nga-Mỹ và viễn cảnh để phát triển, bên cạnh đó từ phương diện luật quốc tế và ngoại thương cũng đáng thất vọng”. Ông Peskov cũng khẳng định Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ quyết định về phương thức phản ứng nếu dự luật trừng phạt mới được Mỹ ban hành chính thức.
Chính phủ Đức luôn ủng hộ Dòng chảy phương Bắc 2, do vậy tỏ ra lo ngại về lệnh trừng phạt mới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Martin Schaefer ngày 26/7 tuyên bố “không thể chấp nhận nếu Washington sử dụng lệnh trừng phạt làm công cụ tạo điều kiện cho lợi ích của chính sách công nghiệp Mỹ”. 
Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Pháp nhận định rằng nếu được ban hành chính thức, đạo luật trừng phạt mới sẽ gây ảnh hưởng tới châu Âu.
Liên minh châu Âu cũng đã thể hiện rõ sự không hài lòng với việc Hạ viện Mỹ thông qua dự lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga. Điều này được cho bắt nguồn từ việc dự luật mới cho phép Mỹ trừng phạt bất cứ công ty nào “dính dáng” đến duy trì và phát triển đường ống dầu xuất khẩu của Nga. Đây là "mũi tên" có thể gây ảnh hưởng đến việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 2" giữa Nga và Đức.
Ngày 26/7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nêu rõ: “Nếu quan ngại của chúng tôi không được xem xét, chỉ trong thời gian vài ngày, chúng sẵn sàng đứng lên hành động thích đáng”.