Moscow tuyên bố có quyền đáp trả nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Nga

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định nước này có quyền đưa ra những biện pháp đáp trả phù hợp nếu Mỹ quyết định rút khỏi hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).

Chính phủ Nga đã phản ứng mạnh mẽ trước thông báo của Mỹ về việc rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).      

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 1/2, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ Moscow sẽ tiếp tục chống lại các bước phá hoại của Mỹ trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí.

 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.

"Liên bang Nga sẽ tiếp tục quyết định chống lại các bước phá hoại trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, giải giáp và không phổ biến vũ khí thông qua các chương trình nghị sự mang tính xây dựng với cộng đồng quốc tế dựa trên hệ thống luật pháp quốc tế hiện có", Bộ Ngoại giao Nga cho biết..

Theo tuyên bố của bộ này, tất cả các sáng kiến ​​mà Nga thúc đẩy đều dựa trên luật pháp quốc tế và hướng đến việc đảm bảo an ninh bình đẳng và không thể chia cắt cho tất cả các quốc gia.

Trả lời phỏng vấn kênh Rossiya 1 ngày 1/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharovabà nói: "Nếu phía Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump, Nhà Trắng đưa ra quyết định cuối cùng và rút lui khỏi hiệp ước INF, Moscow có quyền đưa ra phản ứng thích hợp cùng các biện pháp đáp trả và dĩ nhiên chúng tôi sẽ làm như vậy."
Cùng ngày, phát biểu trên truyền hình nhà nước ngày 1/2, người phát ngôn Zakharova nhấn mạnh, Mỹ đã không cung cấp bằng chứng nào cho thấy Nga vi phạm hiệp ước INF - không có ảnh vệ tinh, không có hồ sơ nghe lén, cũng như không có nhân chứng.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 1/2 tuyên bố Washington sẽ rút khỏi Hiệp ước INF. Ông Pompeo còn nêu rõ, Mỹ sẽ gửi thông báo chính thức cho Nga rằng Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước INF trong vòng 6 tháng.

Theo Ngoại trưởng Pompeo, Mỹ sẽ ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga kể từ ngày 2/2.

INF do Mỹ và Liên Xô ký năm 1987, được coi là bước khởi đầu quan trọng trong việc chấm dứt Chiến tranh lạnh kéo dài gần nửa thế kỷ giữa 2 siêu cường. INF cấm các tên lửa mặt đất trong tầm hoạt động từ 500km đến 5.500km - nhiều loại trong số này lúc bấy giờ được các bên trong chiến tranh lạnh triển khai.
Hồi tháng 10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729”.
Đến tháng 12/2018, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước này, nếu Nga không tuân thủ trở lại thỏa thuận này trong vòng 60 ngày - tức thời hạn chót là ngày 2/2 tới.
Tuy nhiên, Nga tuyên bố không tiêu hủy “Novator 9M729", đồng thời khẳng định loại tên lửa này không vi phạm INF. Nhiều nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng phản đối việc Mỹ rút khỏi INF do lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới.
-       

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần