Một Brexit vì Mỹ - mục tiêu thực sự của ông Trump tại Anh

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Một thỏa thuận thương mại lớn có thể tạo lập khi Anh thoát khỏi xiềng xích", ông Trump tweet một ngày trước chuyến thăm 3 ngày tới quốc gia châu Âu.

Nữ hoàng Anh đón tiếp Tổng thống Mỹ và phu nhân hôm 3/6 tại cung điện. 
Trước chuyến đi tới London, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Vương quốc Anh nên tránh xa các cuộc đàm phán "bầm dập" với EU nếu Brussels từ chối đàm phán các điều khoản tốt hơn cho sự ra đi khỏi liên minh, đồng thời đề nghị Nigel Farage - người đang vận động cho một Brexit không thỏa thuận - nên đảm nhiệm vị trí dẫn dắt quá trình này.
"Một thỏa thuận thương mại lớn có thể tạo lập khi Anh thoát khỏi xiềng xích", ông Trump tweet.
Những bình luận của ông Trump là một tín hiệu khác cho thấy ông chủ Nhà Trắng đã báo hiệu điều kiện để Anh có thể tham gia một thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ là việc, chính phủ London cần bảo đảm một sự "phá vỡ sạch sẽ" khỏi các quy tắc của EU. Một sự phân chia rạch ròi sẽ tạo điều kiện cho một thỏa thuận mới, nhưng nếu Vương quốc Anh vẫn bị ràng buộc bởi các quy định của EU, nó sẽ thu hẹp các tùy chọn đối với thỏa thuận đó trong tương lai.
Nhà Trắng đã đưa ra một tuyên bố trước đó vào hôm 3/6, nói rằng Tổng thống Trump ủng hộ Brexit duy trì sự ổn định kinh tế toàn cầu trong khi đảm bảo mong muốn độc lập của các cử tri Anh quốc.
Tuy nhiên, đây là một vấn đề nhạy cảm ở Anh, khi Thủ tướng Theresa May đã không đạt được sự phê chuẩn tại Quốc hội cho thỏa thuận mà bà đã đàm phán với Brussels, để rồi buộc phải từ chức trong tuần này. Nhiều gương mặt đang đua nhau thay thế vị trí của bà May khi đưa ra các kế hoạch Brexit của riêng mình, mà nổi bật hơn cả là cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson - cam kết đưa Anh rời khỏi EU kể cả không thỏa thuận vào cuối tháng 10 năm nay.
Thái độ của Washington đã có sự thay đổi rõ rệt, khi ông Trump chỉ trích thỏa thuận của chính quyền May với EU vào tháng 11 năm ngoái và nói rằng Anh có thể không thể giao dịch với người Mỹ - trái ngược với những bình luận của chính ông được đưa ra trước một cuộc họp vào tháng 5/2017 về khả năng cho một thỏa thuận Mỹ - Anh mạnh mẽ và nhanh chóng.
Các nhà phê bình Brexit nói rằng một thỏa thuận thương mại với Washington có nguy cơ phá hỏng Dịch vụ Y tế Quốc gia, bằng cách tăng sự tham gia của các công ty tư nhân Mỹ trong khu vực công của nước này. Văn phòng Thủ tướng Anh hôm 3/6 đã buộc phải nhắc lại rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe do nhà nước tài trợ sẽ không được đưa ra để thảo luận trong các cuộc đàm phán thương mại.
Tuy nhiên trước đó, phái viên của ông Trump tại London, Woody Johnson, nói với BBC rằng toàn bộ nền kinh tế của Vương quốc Anh sẽ ở trên bàn đàm phán.
Một người London mang thông điệp phản đối chuyến thăm của ông Trump hôm 3/6. Hàng ngàn người biểu tình tương tự dự kiến ​​sẽ xuống đường vào hôm nay, ngay trước cuộc họp báo giữa ông Trump và bà May.  
Tổng thống Trump sẽ gặp các nhà lãnh đạo DN Mỹ vào hôm nay (4/6) để bắt đầu ngày thứ hai của chuyến thăm Anh, được dự báo sẽ còn gây ra nhiều tranh cãi hơn so với lịch trình chỉ xoay quanh các nghi lễ hoàng gia hôm thứ 2. Cuộc gặp gỡ tại nước Anh sẽ quy tụ loạt CEO của các "tinh tú nước Mỹ", bao gồm BAE Systems Plc, JPMorgan Chase & Co, Lockheed Martin..., trong khi dự kiến có thể cung cấp cho ông Trump những thông điệp mang tính kiểm soát trước khi bước vào cuộc đàm phán với nhóm của bà May tại Số 10 Downing.
Tại cuộc đối thoại này, tập đoàn Huawei dự kiến là một trong những áp lực mà phía Mỹ đề ra với Anh, trong mục tiêu loại bỏ yếu tố của công ty Trung Quốc này khỏi các hệ thống mạng 5G trên khắp châu Âu. Tuy nhiên, các cuộc gặp có thể diễn ra sau đó, với ông Johnson và Farage, mới thực sự đưa đến cơ hội can thiệp thực sự vào nước Anh của Tổng thống Mỹ đương nhiệm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần