Một dự án đầu tư nông nghiệp “gánh” 40 thủ tục hành chính

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 5/9, Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo tham vấn cơ chế chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển doanh nghiệp nông nghiệp.

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý và các DN trong lĩnh vực nông nghiệp đã đưa ra một loạt khó khăn trong quá trình hỗ trợ DN tiếp cận với các cơ chế, chính sách của Nhà nước. Nổi cộm trong đó là việc tập trung đất đai, nguồn vốn, chính sách thuế… phục vụ sản xuất quy mô lớn. Đặc biệt là thủ tục hành chính được xem là còn nhiều phức tạp.
Cụ thể, hiện nay để hoàn thiện đầu tư một dự án nông nghiệp, một DN phải trải qua khoảng 40 thủ tục hành chính các loại. Theo các chuyên gia, nhà quản lý, điều này dễ làm “nản lòng” các nhà đầu tư vào lĩnh vực vốn đã nhiều rủi ro này. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, việc hoàn thiện thể chế chính sách đóng vai trò cốt lõi trong thúc đẩy DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Trước mắt, trong tháng 9/2017, Bộ sẽ tiếp tục lấy ý kiến tham mưu, đề xuất của các chuyên gia, nhà quản lý nhằm hoàn thiện báo cáo tham vấn sửa đổi Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; gửi Bộ KH&ĐT tôgnr hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi. Bên cạnh văn bản quản trọng này, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục ghi nhận các đóng góp ý kiến, nghiên cứu nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách trong lĩnh vực hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp.

Theo báo cáo của Tổng hội NN&PTNT Việt Nam, dù Nghị định số 210 của Chính phủ có hiệu lực từ 2014, tuy nhiên, tốc độ tang trưởng số lượng DN trong lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp vẫn chậm hơn các DN ở các lĩnh vực khác. Thống kê chưa đầy đủ, đến nay cả nước có khoảng 4.500 DN hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp, chỉ chiếm khoảng 1% tổng số DN cả nước.
Dù vậy, tốc độ giải thể trung bình các DN trong lĩnh vực nông nghiệp lại lên tới 11% những năm qua. Quy mô các DN chủ yếu ở mức vừa và nhỏ với tổng vốn dưới 5 tỷ đồng. Thậm chí, 50% DN có quy mô siêu nhỏ (dưới 10 lao động). Bên cạnh đó, khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của các DN là rất hạn chế, với trên 70% DN đang sử dụng máy móc, trang thiết bị đã hết khấu hao vào sản xuất… Những nguyên nhân nêu trên khiến tốc độ phát triển DN nông nghiệp khá chậm, kéo theo đó nguồn lực ngoài ngân sách huy động được cho đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm ngư ngiệp chỉ chiếm trung bình khoảng 5,5% tổng nguồn vốn đầu tư hàng năm.