Một gia đình ba thế hệ có công với nước

Ghi chép của Hà Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, rất nhiều trang huyền thoại được viết nên bởi sự dũng cảm hy sinh của biết bao người. Một trong những gia đình như thế là gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Út, một gia đình có 2 Mẹ Việt Nam anh hùng, 6 liệt sĩ cùng 2 người được tặng bằng “có công với nước”.

 Chiếc nồi đồng này gia đình bà Nguyễn Thị Mười (tự Chín Ẹt) từng dùng để phục vụ các cán bộ T.Ư và Xứ ủy Nam Kỳ hoạt động tại xã Tân Thới Trung, huyện Hóc Môn giai đoạn 1937 – 1940, hiện được trưng bày ở Bảo tàng Ngã Ba Giồng.

Ngay khi đặt chân vào Bảo tàng Khu tưởng niệm các liệt sĩ Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh), chúng tôi bị cuốn hút ngay bởi tấm ảnh chụp chiếc nồi đồng cổ với dòng ghi chú “Nồi đồng của gia đình Bà Nguyễn Thị Mười đã sử dụng phục vụ các đồng chí Trung ương và Xứ ủy Nam Kỳ hoạt động tại xã Tân Thới Trung, Hóc Môm (1937 – 1940)”. Chủ nhân chiếc nồi đồng này, bà là Mẹ Việt Nam Anh Hùng Lê Thị Út (96 tuổi, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh).

 Căn nhà bà Chín Ẹt (tức Nguyễn Thị Mười) ở Tân Thới Trung (nay là xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn) là nơi mà các cán bộ của Khởi nghĩa Nam Kỳ từng hội họp.

Bà Nguyễn Thị Kiết (73 tuổi, con gái Mẹ Út) kể: Buổi đầu Pháp xâm chiếm Nam Bộ, giữa tết năm Ất Dậu (1885), nhân dân Mười tám Thôn vườn trầu (huyện Hóc Môn ngày nay) đã nổi dậy, khởi nghĩa giết Đốc phủ Ca, một tên tay sai gian ác, rồi kéo quân vào Sài Gòn cùng tham gia chống Pháp, trong đội quân ấy có ông Nội tôi (là ông Nguyễn Văn Bận, sinh năm 1870).

Hiện nay, ông Nội của tôi vẫn được lưu tên ở nhà truyền thống Tân Thới Đông. Khởi nghĩa thất bại, Nội tôi đã về ấp Chánh, Tân Thới Trung (nay là xã Tân Xuân, Hóc Môn) để làm ăn và sinh được 10 người con. Nội tôi nuôi bò sữa và làm vườn nên có của ăn của để, cất được căn nhà 3 gian 2 trái nằm giữa khu đất rộng được che chắn bởi cây rừng rậm rạp. Sau khi Nội tôi qua đời, Ba tôi (Liệt sĩ Nguyễn Văn Trăm, sinh năm 1916, là con út) cùng người chị Nguyển Thị Mười (tự Chín Ẹt) ở lại căn nhà này, lúc này các anh, chị khác của ba tôi đã có gia đình và ra ở riêng.

 Bằng phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Út.

Trước Nam Kỳ Khởi Nghĩa nổ ra, trong khoảng thời gian năm 1937 đến 1940, tại Mười tám Thôn vườn trầu,Trung ương Ðảng đã tổ chức nhiều cuộc họp Hội nghị mở rộng, bàn chủ trương biện pháp cụ thể: xây dựng Ðảng, tổ chức quần chúng, xây dựng mặt trận và công tác đấu tranh hợp pháp để đẩy mạnh phong trào cách mạng, đưa phong trào đấu tranh dân chủ lên một bước nữa, nhất là công tác cho chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Tham dự các cuộc họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Phan Ðăng Lưu, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Quốc Việt, Lê Duẩn...

Cũng trong thời gian này, gia đình mẹ Lê Thị Út đã tham gia bảo vệ, che dấu, nuôi nấng nhiều chiến sĩ cộng sản, nhiều người con ưu tú của dân tộc Việt Nam. Ðêm 23 tháng 11 năm 1940, Khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ, cả một vùng rộng lớn nông thôn Nam Bộ rung chuyển trước sức nổi dậy, tiến công của quần chúng cách mạng. Ngày đó, bà con Mười tám Thôn vườn trầu tự vũ trang bằng gậy gộc, giáo mác đánh vào các cơ quan hành chính của thực dân Pháp.

 Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Út (bên phải) đang được con gái Nguyễn Thị Kiết chăm sóc.

Mẹ Út kể (mẹ nói chuyện khó nghe nên con gái là bà Kiết phải dịch lại): Mẹ tham gia hoạt động cùng với ông Trăm nên có quen biết với gia đình ổng, khi lấy ổng năm 1938 thì mẹ ở nhà để ông đi cách mạng. Lúc này, khi các cán bộ của Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam Kỳ về Mười tám Thôn vườn trầu họp để chuẩn bị cho khởi nghĩa, nhà Mẹ là một trong những địa điểm để các cán bộ ăn, nghỉ cũng như bàn bạc công việc. Những khi cán bộ họp và ăn, nghỉ tại nhà bà thì cả gia đình bà cùng phối hợp với người của cách mạng chia nhau người thì nấu ăn, người thì cảnh giới để đảm bảo an toàn.

Nhà bà được cách mạng trọn để tổ chức 3 cuộc họp trong đó có sự tham dự của nhiều cán bộ như Nguyễn Văn Cừ, Phan Ðăng Lưu, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Quốc Việt… Mẹ Út nhớ lại: Chị Nguyễn Thị Minh Khai đang mang thai gần ngày sinh, có lần khi ngồi ăn thai nhi trong bụng quẫy đạp chị còn ôm bụng cười nựng “ba con sắp về rồi đó”. Lúc này tôi cũng đang mang thai đứa lớn nên rất hiểu và thương chị Minh Khai, gia đình tôi thường dành các thức ăn ngon nhất để chị bồi dưỡng sức khỏe và dành chiếc phản ghỗ duy nhất cho chị nghỉ ngơi.

 Bằng “Có công với Nước” của bà Nguyễn Thị Mười.

Đôi mắt xa xăm hướng về quá khứ, bà Kiết kể tiếp: “Cha tôi là Nguyễn Văn Trăm tham gia kháng chiến chống Pháp là Trưởng ban Công an xã đã bị giặc bắt tù đày và hy sinh năm 1952 trong khi vượt ngục bị giặc truy sát. Anh trai tôi là liệt sĩ Nguyễn Văn Tiết tham gia kháng chiến chống Mỹ và hy sinh năm 1966 trong một trận đánh ác liệt ở Tây Ninh và em trai tôi là Nguyễn Văn Phết là bộ đội chồng Mỹ bị giặc bắt tù đầy ở Phú Quốc từ năm 1967 đến năm 1973. Các con, cháu của nội tôi lớn lên không ai theo giặc, nhiều người đã tham gia hoạt động cách mạng, cầm súng đánh giặc đã được Nhà nước ghi nhận như: ông Nguyễn Văn Lưu và Nguyễn Thị Mười (được tặng bằng có công với nước); Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Đâu có chồng và 2 con liệt sĩ; Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Út có chồng là Nguyễn Văn Trăm cùng con trai là liệt sĩ; Nguyễn Thị Điều có con là liệt sĩ.

Chia tay gia đình mẹ Út khi màn đêm đang dần buông xuống, đường phố đã lên đèn sáng trưng, dòng người tấp lập dạo phố mừng kỷ niệm 42 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhìn ánh mắt mẹ sáng lên niềm vui nhưng dường như vẫn còn ẩn chứa một điều gì đó… Tôi hỏi mẹ: “Mẹ có lời nào nhắn nhủ đến lớp trẻ hiện nay không?”. Mẹ Út trầm ngâm giây lát rồi khẽ nói: “Một điều mẹ muốn gửi gắm tới các bạn trẻ hôm nay là, nếu ai cũng ngại làm cách mạng, sợ gian khổ và hy sinh thì làm gì có độc lập, thống nhất, có cuộc sống an bình, vinh hoa phú quý như hôm nay. Vì thế các bạn trẻ nên và cần phải nhớ về quá khứ, quan tâm tới những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc!”.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần