Một kỷ vật của Bác Hồ gắn với phong trào thi đua ái quốc

TS. Hoàng Thị Nữ (cán bộ công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trong buổi gặp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng ông Hoàng Đạo Thúy một kỷ vật - chiếc quạt giấy và căn dặn: “Chú dùng chiếc quạt này để quạt cho phong trào lớn mạnh lên”.

Năm 1948, để kịp thời động viên nhân dân cả nước tham gia kháng chiến, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, phát triển lực lượng cách mạng trên mọi phương diện của cuộc kháng chiến, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi “Thi đua ái quốc”. Nhân dịp kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến của nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức phát động phong trào Thi đua ái quốc trong cả nước.
Bức ảnh tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội Chiến sĩ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc tại Việt Bắc, ngày 1- 6/5/1952.
Để triển khai phong chào thi đua có ý nghĩa lịch sử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuẩn bị rất chu đáo về mặt tổ chức, cũng như lựa chọn bồi dưỡng cán bộ nòng cốt trong phong trào. Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rất rõ: “Cán bộ là gốc của mọi công việc công việc, muốn thành công trước hết phải có cán bộ tốt”. Vì vậy, Người đã chọn và đề cử một số cán bộ có uy tín trong Chính phủ Quốc hội, đoàn thể, tham gia vào Ban vận động Thi đua ai quốc Trung ương, cụ thể:
Ngày 1/6/1948 chủ tịch Hồ Chí Minh lấy sắc lệnh số 195 - SL về việc cử một số vị thay mặt chính phủ Quốc Hội, các đoàn thể nhân dân vào Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương và Ban Vận động Thi đua ái quốc các cấp.
Ngày 1/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy sắc lệnh số 196 - SL về việc cử một số vị thay mặt Chính phủ Quốc hội, các đoàn thể nhân dân và Ban Vận động Thi đua ái quốc Trung ương.
Năm 1948, năm đầu tiên của phong trào Thi đua ái quốc, chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý đến việc chọn cán bộ nòng cốt trong phong trào. Người nhiều lần viết thư gửi cụ tôn Đức Thắng, Trưởng ban Vận động Thi đua ai quốc Trung ương để trao đổi các công việc và nội dung cần triển khai của phong trào để chọn người có khả năng đảm đương các công việc của Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi ông Hoàng Đạo Thúy, lúc đó đang công tác bên Bộ Quốc phòng, mời ông Hoàng Đạo Thúy làm Tổng thư ký cho Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương, Người viết:
“Lão đồng chí
Nay có một việc rất quan trọng, cần một người có sáng kiến, nhiều kinh nghiệm và tính xốc vác. Tức là việc làm Tổng bí thư cho Ban thi đua Trung ương.
Tôi muốn nhờ đồng chí phụ trách việc ấy, chắc đồng chí sẽ không từ chối. Vẫn biết bên Quốc phòng và Tổng chỉ huy cũng cần đồng chí giúp. Song nếu đồng chí bằng lòng thì tôi sẽ tìm cách dàn xếp Chào thân ái và quyết thắng.
Tháng 6/1948
Hồ Chí Minh”
Và sau đó 20/8/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy sắc lệnh số 207 - SL của ông Hoàng Đạo Thúy - nguyên Cục trưởng Cục Quân Huấn Bộ quốc phòng làm Tổng thư ký Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương và Người trực tiếp gặp ông Hoàng Đạo Thúy để giao nhiệm vụ. Trong buổi gặp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng ông Hoàng Đạo Thúy một kỷ vật - chiếc quạt giấy và căn dặn: “Chú dùng chiếc quạt này để quạt cho phong trào lớn mạnh lên”.
Chiếc quạt giấy - một kỷ vật của Bác Hồ đã tặng lão đồng chí trong Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương tháng 8/1948. Ông Hoàng Đạo Thúy đã trân trọng, giữ gìn trong suốt 30 năm. Ngày 29/7/1978, Ông Hoàng Đạo Thúy đã tặng lại Viện bảo tàng Hồ Chí Minh, ông kể lại những kỷ niệm sâu sắc với Bác Hồ và chiếc quạt giấy này.
Xin được giới thiệu đôi nét về chiếc quạt giấy đặc biệt trên:
Năm 1946, nhân kỷ niệm 56 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh thanh niên làng Canh Hoạch, Hà Đông đã gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh chiếc quạt giấy có chiều dài gần một thước ta nên gọi là quả thước.
Nhìn hình dáng bên ngoài chiếc quạt giấy này có cấu tạo giống các quạt giấy bình thường khác. Điểm khác chỉ là chỗ kích thước của nó khá lớn, quạt dài 0,76m gồm có 18 nan (xương quạt), trong đó có 2 xương ngoài làm bằng sừng còn lại các xương khác làm bằng tre. Giấy phớt trên quạt màu nâu. Điểm độc đáo và đặc biệt của chiếc quạt là: Trên 2 mặt của chiếc quạt có châm kim tạo thành những bài thơ và hoa văn rất đẹp. Các bài thơ vào hoa văn vẫn được tạo thành bởi kỹ thuật châm kim điêu luyện của các nghệ nhân làm quạt làng Canh Hoạch. Các nét châm kim này tạo thành các hàng chữ đặc biệt, như sau:
Mặt trước của quạt
Phía chính giữa quạt có hàng chữ bằng tiếng Hán:
“Hồ Chí Minh vạn tuế”
Phía trên mét quạt có dòng chữ:
“Việt Nam dân chủ cộng hòa”
Phía bên trái quạt là các câu thơ bằng tiếng Việt:
Gió xuân hây hẩy ba kỳ mát,
Muỗi cỏ vo ve, một phẩy tan
 Gia Cát quạt long, Hồ quạt giấy
Trước sau quét sạch lũ tham tàn”.
Phía bên phải quạt là các câu thơ bằng tiếng Việt
Ra tay quạt gió xuân nồng
Cho dân bức bối thỏa lòng ước mong
Quạt hồng, Nam, Bắc,Tây, Đông
quạt cho hòa khí xuân phong gió về”.
Mặt sau của quạt, bên phải phía dưới qua có bốn chữ nôm:
“Thanh niên Canh Hoạch”
Bên trái, phía dưới quạt có bảy chữ Nôm
Liên kết yên anh thành Hà Nội”
Đây là một kỷ vật quý, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc và có giá trị nghệ thuật cao. Kĩ thuật châm kim trên quạt là do thợ làm quạt làng Canh Hoạch sáng tạo ra. Đây là một thủ pháp độc đáo sử dụng kĩ thuật châm kim tạo hình hoa văn trên quạt giấy một cách khéo léo. Kỹ thuật châm kim phức tạp này, không phải ai cũng làm được, kỹ thuật châm kim thể hiện tài hoa của người làm quạt, biến kết quả bình thường trở thành tác phẩm nghệ thuật.
Điểm đặc biệt và độc đáo của chiếc quạt không những thể hiện trên kỹ thuật tạo dáng, châm kim hoa văn mà còn thể hiện ở nội dung hai bài thơ và các câu đối trên 2 mặt của chiếc quạt. Đọc các câu thơ trên, chúng ta cũng hiểu được ý nghĩa sâu sắc của kỷ vật thiêng liêng này. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng chiếc quạt quý của mình để tặng cho đồng chí đảm đương nhiệm vụ Tổng thư ký Ban vận động thi đua ái quốc trung ương. Điều đó cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi trọng, quan tâm và nâng niu phong trào thi đua ái quốc như thế nào?
Chiếc quạt và các tài liệu liên quan hiện đang được lưu giữ và bảo quản tại Kho cơ sở bảo tàng Hồ Chí Minh. Đó là một kỷ vật minh chứng cho sự kiện lịch sử của dân tộc ta giai đoạn ra đời và phát triển của phong trào Thi đua ái quốc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng, vun đắp và nuôi dưỡng.
Hà Nội, tháng 6/2018

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần