Một năm tính “Cuộc vuông tròn”

Kiều Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau “Luật đời và cha con” là “Lửa đắng”, “Gã Tép riu”, “Vỡ vụn” và bây giờ là “Cuộc vuông tròn”, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn luôn làm người đọc tò mò và hứng khởi trước lối viết chuyên nghiệp và vốn sống dạn dày.

Nhà văn Ma Văn Kháng nói rằng:“Anh là nhà tiểu thuyết luận đề đang đà sung sức!” cũng là vì thế.
 Bìa tiểu thuyết "Cuộc vuông tròn"
Rất nhiều người cảm thấy thú vị khi đầu năm Bắc Sơn cho ra mắt “Vỡ vụn” với cuộc hôn nhân giữa hai con người vì bắt cá hai tay thì chẳng tay nào được cá; cuối năm lại tính chữ nghĩa trong “Cuộc vuông tròn”. Thế nhưng, đó không chỉ là sáng tạo của nhà văn chuyên viết tiểu thuyết luận đề, mà còn chính là quy luật của nhân sinh, của tạo hóa. Dù bây giờ cuộc sống có bất an, bất định bao nhiêu, gia đình có bị bao nhiêu tác động của thiên nhiên và xã hội thì vẫn là những tế bào cần được nâng niu, trân trọng, bảo vệ đến cùng. Phải có bố có mẹ mới sinh ra con. Con phải được giáo dưỡng giáo dục của cả bố và mẹ. Đấy vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi của bố mẹ, còn đứa trẻ có quyền đòi hỏi được cả bố mẹ nuôi dưỡng, dạy dỗ. Và đó là điều Nguyễn Bắc Sơn muốn thưa cùng xã hội, trước thực trạng ngày càng có nhiều phụ nữ lo sợ phải sống bất đắc dĩ với các ông chồng không ra gì nên chọn cách sống đơn thân.

Nhân vật trong “Cuộc vuông tròn” đã lên tiếng thay ông nói về điều đó: “Tôi có thể không có chồng nhưng phải có con”. Thế đến lượt đứa con. Nó không có quyền gì à? Nên Cu Đại dứt khoát không chịu thơm bố vì bố chưa phải là người bình thường như các ông bố nhà khác – chưa ngủ ở nhà, chưa đưa nó đi học. Rồi không thấy nói đến con, chỉ biết một người diễn viên Mỹ, nổi tiếng loại nhất thế giới, cưới 8 ông chồng những 9 lần (một ông bỏ rồi lại cưới lại). Chính vì… ca dao nói rồi: gái có chồng như gông đeo cổ, nhưng gái không chồng như phản gỗ long đanh/ Phản long đanh anh còn đóng được/ Gái không chồng chạy ngược chạy xuôi/ Không chồng khổ lắm chị em ơi!

Hỏi tác giả vì sao trong “Luật đời & Cha con” và “Lửa đắng”, toàn bộ vấn đề thể chế, cơ chế, hệ điều hành và con người trong hệ điều hành của cơ chế ấy đã được đặt ra và giải quyết. Sao đến “Cuộc vuông tròn” vẫn còn nêu ra? Ông bảo, những vấn đề đại thể đã đặt ra, đã dự báo cả hướng giải quyết và thực tế đang chứng minh phải được cải tiến mà nhất thể hóa, là một cách đang thí điểm ở nhiều nơi; vấn đề tinh giảm biên chế bằng cách nhập các cơ quan cùng chức năng giữa hệ thống Đảng và chính quyền; vấn đề thi công chức vào các vị trí lãnh đạo… nhưng cuộc sống đâu hết chuyện. Cho nên một lần nữa không thể không động đến những con người cụ thể trong hệ điều hành.

Cũng vì thế mà trong “Cuộc vuông tròn” hiện diện 2 nhóm nhân vật: Một bên là thầy Chính với cha con Ông già Sơn La và Lưu Minh Vương. Còn bên kia là Người mỏng toàn diện và Bia Cổ Rụt. Một kẻ chuyên chọc ngoáy, máy móc giáo điều, một kẻ chỉ biết ngụy biện che đậy lòng tham vô đáy bằng lập luận: “Bỏ phiếu tín nhiệm, đa số thông qua rồi. Đa số thường vụ thông qua thì đa số thường vụ chịu trách nhiệm chứ. Tôi làm đúng quy trình kia mà”. Cái lối cãi phổ biến ấy dường như không ai làm gì được, thì trong “Cuộc vuông tròn” có một người thông minh sắc sảo là Bí thư kiêm Chủ tịch tỉnh Thành, có truyền thống cách mạng, một hạt giống đỏ đích thực (con Ông già Sơn La cựu Bí thư, cựu Chủ tịch tỉnh) vặn lại: “Đành là đúng quy trình, nhưng không đúng quy định, không đúng người, đúng việc, để hỏng việc thì sao đồng chí chỉ chịu trách nhiệm như một người bỏ phiếu khác?”… Cuối cùng, bằng cách riêng, hoàn toàn dân chủ, nhưng hoàn toàn có thể vận dụng mọi chỗ, mọi lúc với mọi đối tượng, Thành đã buộc đối tượng phải đứng trước sự lựa chọn sống còn: Hoặc là làm lại từ đầu mới giữ được sinh mệnh chính trị hoặc là mất hết… Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn đã thật sự cống hiến một giải pháp khả thi trước câu hỏi chống tham những thế nào để có hiệu quả nhất.

“Cuộc vuông tròn” ra mắt, lại thêm lần nữa khẳng định nhận xét của nhà văn Ma Văn Kháng: Cây bút tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn sống khá kỹ càng với đối tượng ông lấy làm mục tiêu miêu tả và đã thể hiện được sự kỹ càng trên các trang viết của mình. Tiểu thuyết đòi hỏi một vốn sống khổng lồ. Nguyễn Bắc Sơn am hiểu mọi mặt kể cả mặt trái, mặt tối tăm của cuộc sống hôm nay; thông thạo đến chi li, ngóc ngách mọi mặt đời sống từ cao sang tới tầm thường, kể cả những chuyện vặt vãnh trong thường nhật, thậm chí nhiều khoản đạt đến mức quái kiệt.

Phải nói rằng, Nguyễn Bắc Sơn thành công trong nhiều sáng tác của mình còn nhờ ở sự vận dụng ngôn ngữ linh hoạt, chuyên nghiệp. Thông thạo thứ ngôn ngữ chính luận có bài bản, tinh tế, chuẩn xác, ông lại khéo kết hợp với lối nói khẩu ngữ dân gian hóm hỉnh, nghịch ngợm đời thường, một phẩm chất không phải nhà văn nào cũng có.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần