Một nét Trung thu xưa

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sắp tới Tết Trung thu, nhiều người trò chuyện và hỏi tôi về cái Tết này xưa và nay. Họ hay hỏi rằng, chúng ta sẽ bảo tồn, phát triển truyền thống văn hóa cái Tết này như thế nào trong ngày hôm nay, đặc biệt là các đô thị.

 Ảnh minh họa
Để trả lời, tôi rút cuốn sách Việt Nam phong tục của học giả Phan Kế Bính (1875 - 1921) trên giá và đọc hầu một đoạn ngắn khi cụ chép về Tết Trung thu xưa, đầu thế XX. Cụ Phan viết cuốn này và in lần đầu vào năm 1914. “Đồ trẻ con chơi trong Tết này, toàn là các thứ bồi bằng giấy, như là: voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm, cá, bươm bướm, bọ ngựa, cho chí cành hoa, giàn mướp, đèn cù, đèn xẻ rãnh, đình chùa, ông nghè đất, con thiềm thừ… Có nhà một vụ Tết, bán các đồ ấy được tới một vài trăm bạc. Mười năm nay họ lại chế ra đồ chơi bằng sắt tây, cũng tranh mối lợi của trẻ con được ít nhiều”. Các bạn già của tôi ngồi nói về các món đồ chơi phong phú của phố phường Hà Nội xưa dành cho con trẻ. Có người bật điện thoại xem những ảnh chụp, tranh vẽ cách đây 100 năm và bình luận rôm rả để bàn về việc: Bây giờ có nên trở lại những đồ chơi Trung thu xưa không?
Ngày xưa đã sản xuất, buôn bán đồ chơi Tết Trung thu rôm rả chứ không phải bây giờ mới có. Một trăm, hai trăm đồng bạc thời đó rất nhiều. Khi mà chỉ 400 đồng đã mua được một khu vườn rộng ở Ngọc Hà với căn nhà nhỏ. Lương cụ Phan lúc đó tháng là 160 đồng/tháng. Hơn nữa, cách nay 100 năm, đồ sắt tây làm đồ chơi đã ngấp nghé tranh mối lợi đó. Ấy thế mà bây giờ, đồ chơi gần như toàn là các thứ đúc bằng nhựa. Đồ chơi nhựa tràn ngập. Vừa rồi, tôi, phải đi tìm mua mặt nạ chú Tễu, tiên đồng, ngọc nữ, ông địa để dựng kịch Trung thu. Mặt nạ giấy bồi đẹp giá từ 220.000 - 250.000 một chiếc. Mặt nạ nhựa giá 40 ngàn một chiếc. Mỗi năm, theo một công bố trên báo, người Việt thải ra 1,8 triệu tấn rác thải nhựa. Tờ báo ấy chia trung bình năm, mỗi người sử dụng qua tay 41kg đồ nhựa. Trong số rác thải nhựa đó, chỉ mới 20% là được tái chế. Có nghĩa chúng ta mỗi người mỗi năm thải ra hơn 30kg thứ rác hầu như không phân hủy, tàn phá môi sinh, thổ nhưỡng, sinh quyển, thủy quyển… tóm lại là đang tàn phá môi trường sống của con người và tàn phá thiên nhiên.
Chúng ta phải tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào thay thế nhựa. Đến một cái cán đèn ông sao mà cũng nhựa thì hỏng. Ta có tre, rơm, cây tạp. Phải trồng rừng nhiều hơn nữa. Đừng để mỗi năm mít tinh phát động Tết trồng cây, đọc diễn văn xong, vỗ tay rồi giải tán. Nguyên liệu nhiều sẽ rẻ dần đi. Sau đó, có chính sách quy hoạch những gì được là đồ nhựa, những gì có thể thay thế bằng tre gỗ.
Mệnh lệnh cuộc sống là phải ngừng ngay đồ chơi nhựa lại. Đặc biệt môi trường đô thị. Nếu không sẽ muộn. Ngày xưa, các cụ làm bằng giấy, tre, gỗ… Nói chung là những vật liệu có xơ thực vật, thân thiện với môi trường. Hãy làm đồ chơi đúng như các cụ đã từng làm với nguyên liệu, vật liệu như thế. Hãy bắt đầu ngay bằng việc làm đồ chơi Trung thu như các cụ xưa rồi hãy nói đến việc khác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần