Một người chết, nhiều công trình dân sinh hư hỏng do bão số 2

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của bão số 2, tại nhiều tỉnh, TP trên cả nước đã có mưa vừa, mưa to đến rất to, kèm dông, lốc. Đến sáng nay (3/8), cả nước ghi nhận nhiều thiệt hại do cơn bão gây ra.

Sự việc nghiêm trọng nhất xảy ra tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long (Quảng Ninh), khi có 1 người bị chết do bão số 2. Đó là trường hợp ông Đỗ Văn Mạnh, sinh năm 1979, bị thiệt mạng do kè đổ vào lán trại ở công trường.
Mưa lớn cũng gây thiệt hại nặng nề về tài sản và sản xuất nông nghiệp của người dân các địa phương. Cụ thể tại Đắk Lắk, ít nhất 931 nhà dân đã bị ngập; 183ha lúa, 4.208ha cây trồng bị thiệt hại; 17.070 con gia cầm, 61 con gia súc bị trôi; 28ha ao cá bị thiệt hại; sạt lở 200m đường giao thông.
 Ngập úng khiến nhiều khu vực tại Đắk Lắk bị ngập úng. Ảnh: Thúy Diễm.
Tại Lâm Đồng, mưa lớn ngày 2/8 đã làm 1 người bị thương, ngã đổ 10 cây xanh và sạt lở 1 bờ taluy đất. Tại Cà Mau, 3 nhà dân bị sập đổ và 13 ngôi nhà bị tốc mái. Trong khi đó tại Hà Tĩnh, trên 2.500ha lúa và hoa màu cũng bị ảnh hưởng năng suất do ngập úng…
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ bão số 2 kết hợp với rãnh thấp đi qua khu vực Bắc Bộ nối với cơn bão Hagupit ở phía Đông đảo Đài Loan, từ nay đến ngày 5/8, Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, phổ biến 100 - 250mm/đợt; khu vực Việt Bắc và Đông Bắc có mưa to đến rất to 200 - 350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt. Từ ngày 5 - 8/8, hội tụ gió trên cao có khả năng thiết lập ở vùng núi Bắc Bộ nên mưa lớn ở trung du và vùng núi Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến hết ngày 8/8.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ sau bão số 2, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, TP tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Công điện số 1021/CĐ-TTg ngày 1/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tập trung kiểm tra rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực trũng thấp có nguy cơ xảy ra ngập lụt khi mưa lớn, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để lên phương án sơ tán dân khỏi các khu vực nguy hiểm.
Cùng với đó, kiểm tra các trọng điểm đê điều xung yếu, các hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp, đang thi công; bố trí lực lượng sẵn sàng xử lý sự cố ngay từ giờ đầu. Rà soát, kiểm tra phương án vận hành đảm bảo an toàn công trình, hạ du, tránh xả lũ bất ngờ gây thiệt hại cho hạ du…
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần