Một phần xấu xí của văn hóa Hà Nội

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tồn tại bao nhiêu năm, thậm chí bị phản ánh lên cả kênh truyền thông lớn nhất của thế giới (CNN) nhưng “bún mắng”, cháo “chửi” và giờ thêm trà đá “nói bậy” vẫn trở thành một phần xấu xí của văn hóa Hà Nội.

Chính quyền Hà Nội đã nhiều lần quyết liệt, muốn xóa sổ bằng việc ban hành Quy tắc văn hóa ứng xử nơi công cộng, và trước đó là nếp sống văn hóa trong hoạt động kinh doanh ăn uống nhưng một vài hiện tượng cá biệt vẫn ngang nhiên tồn tại.
Nổi tiếng nhất ở Hà Nội là quán “bún chửi” nổi tiếng ở Ngô Sĩ Liên. Cuối năm 2019, sau một hồi truyền thông lên án chê bai, chủ quán có hứa sẽ kiềm chế nhưng cũng chỉ là giảm bớt hiện tượng văng tục, còn việc mắng chửi khách vẫn thản nhiên diễn ra.
Ở ngõ Hàng Bột, ông chủ quán giới thiệu mình là người Hà Nội, gã trai HàThành nên cách nấu, cách làm đủ tinh tế. Từ món ốc xào cay, đến lẩu chim câu, chân gà tẩm muối ớt… đều được quảng bá mang nét riêng của quán. Thế nhưng, quán có những quy định rất “nghiêm ngặt”: Có thời gian, quán chỉ mở đón chào những vị khách là nữ giới, khách đến ăn không góp ý, không bày tỏ, đi qua cửa chính không rõ biết cửa khóa, mở mạnh là… ăn mắng.
Chị Thanh Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Lần đầu tiên tôi đến quán ăn ở Ngõ Hàng Bột là từ lời mời của một người bạn. Không rõ quy định, khi nồi nước lẩu trên bàn mình sôi, tôi mở vung cho đồ vào liền bị chủ quát lớn: “Chị để yên tôi làm”. Giật mình thả đồ xuống đĩa, cả bữa tôi khép nép ngồi ăn”. Không chỉ có chị Bình, rất nhiều vị khách đến quán ăn này đều thông tin về tính khí kỳ quặc của chủ quán.
Ngoài hiện tượng tồn tại nhiều năm, Hà Nội còn phát sinh những hàng quán trà đá “nói bậy”. Khác với cháo “chửi”, bún “chửi”, là chủ quán “chửi” khách; trà đá “nói bậy” là nơi tập trung đủ thành phần, từ người lao động chân tay đến dân công sở, từ lớp lớp học sinh đến bậc trung niên. Đủ thứ câu chuyện được tám, được đưa ra ở các quán trà đá.
Một quán trà đá ở ngõ 168 đường Xuân Thủy, khách hàng của quán vốn hầu hết là sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhưng “khi nói chuyện với nhau có nhiều cái không thể chấp nhận được” - lời nhận xét của ông chủ quán trả người Nghệ An. Đó là ở cách nói năng nặng nề và lối ăn mặc nhiều khi hỗn độn đến lạ thường.
Hay theo tâm sự của chủ quán trà trên đường Lý Thường Kiệt - cổng trường THPT Việt Đức từng có hiện tượng một học sinh nữ mang chiến tích phòng the để buôn ở quán, thay vì lên án, đám bạn đi cùng trầm trồ, tung hứng. Không quá nặng nề về tình trạng đạo đức của người trẻ, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng đã có những hiện tượng xuống cấp nghiêm trọng trong lời ăn tiếng nói và “phông” văn hóa, sự nhận thức.
Khi dư luận từng bức xúc phản ánh một số biểu hiện văn hóa ứng xử lệch chuẩn, trong đó có hiện tượng bún “mắng”, cháo “chửi”, trà đá “nói bậy”, trước thực tế phản ánh trên một số trang mạng và dư luận xã hội về các hành vi ứng xử thiếu văn hóa của một số chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, lãnh đạo TP cho rằng những hành vi này đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh…, cần phải chấn chỉnh, Hà Nội cũng đã ban hành văn bản về thực hiện nếp sống văn hóa trong hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Theo đó, UBND Hà Nội giao các Sở chức năng xây dựng, trình UBND TP ban hành “Quy chế tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại”.
Ngoài ra, các đơn vị này phải tham mưu bổ sung tiêu chí ứng xử văn hóa trong hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống vào tiêu chí bình xét gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa hàng năm. Văn bản này cũng lưu ý: “Phải thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh có vi phạm; xem xét thu hồi hoặc kiến nghị các cơ quan chức năng thu hồi giấy phép kinh doanh đối với cơ sở vi phạm”.
Quy định đã đủ, công tác tuyên truyền vận động cũng đang thể hiện sự quyết tâm nhưng rõ ràng việc giáo dục nếp sống văn minh thanh lịch không chỉ ở trong quy định của các văn bản, hay ở chế tài xử phạt, mà còn nằm ở ý thức, tính giáo dục trong mỗi gia đình.
Nếu người Hà Nội biết “tẩy chay” những hành động ứng xử thiếu văn minh thì bún “mắng”, cháo “chửi” sẽ không có chỗ tồn tại. Nếu mỗi gia đình sát sao trong giáo dục con cái, thì việc dùng lời hay lẽ phải sẽ thành nếp trong mỗi đứa trẻ, sẽ cũng không còn trà đá “nói bậy”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần