Một Quốc hội tranh luận đã rõ nét

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một Quốc hội tranh luận ngày càng hiệu quả và chất lượng đã dần được thay thế cho không khí tham luận trước đây, cho thấy hoạt động của Quốc hội ngày càng thực chất, thực quyền hơn.

Đó là nhận định được nhiều ý kiến đưa ra khi theo dõi Kỳ họp thứ 10 vừa kết thúc. Thành công của Kỳ họp không chỉ thể hiện ở số nghị quyết, luật được thông qua, còn thấy rõ qua nhiều vấn đề khó đã được các đại biểu đưa vào nghị trường, tranh luận kỹ để đi đến gốc rễ vấn đề mà xã hội quan tâm, từ đó đưa ra quyết định hợp với lòng dân.
Đây thực sự là kỳ họp sôi động cho đến ngày cuối cùng. Nghị trường Quốc hội thực sự “nóng” trong các phiên thảo luận kinh tế - xã hội, chất vấn và cả xây dựng luật. Dù là Kỳ họp cuối nhiệm kỳ, trước Đại hội XIII của Đảng, song các ĐB vẫn thể hiện tinh thần không nể nang, né tránh trước những vấn đề mang tính nhạy cảm.
Có thể nói rằng, đó cũng chính là mong muốn của cử tri với đại biểu và cho thấy sự kết nối, tương tác giữa đại biểu và cử tri ngày càng gắn bó mật thiết. Phải như vậy đại biểu mới phản ánh được suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của hàng chục triệu cử tri với đa dạng nhu cầu và lợi ích khác nhau để phản ánh vào nghị trường.
Như nhìn từ phiên thảo luận kinh tế - xã hội, rồi tiếp đó là phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Gần 6 ngày liên tục thảo luận, chất vấn, tranh luận, rất nhiều vấn đề bức xúc, cấp thiết từ cuộc sống đã được đề cập đến với những cái nhìn thẳng thắn để tìm giải pháp khắc phục. Điều đặc biệt được ghi nhận là những vấn đề “nóng” đó đã “đi vào” nghị quyết được Quốc hội ban hành tại phiên bế mạc Kỳ họp để làm căn cứ để đại biểu tiếp tục giám sát việc thực hiện. Trong đó, có nhiều quyết nghị thực sự được cử tri mong đợi như xử lý nghiêm hành vi khai thác rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy điện; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong thiết kế, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện. Hoặc yêu cầu tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả biên soạn, thẩm định sách giáo khoa…

Với công tác xây dựng luật, như có ý kiến đã phân tích, đây là vấn đề rất quan trọng nhưng không thể vội vàng, vội vã theo tư duy nhiệm kỳ, bởi có tác động, chi phối rất lớn tới sự phát triển. Do đó cần phải được đánh giá đầy đủ tác động và trên cơ sở tính pháp lý, tính khoa học, phản ánh đúng hơi thở cuộc sống mới đạt yêu cầu. Tinh thần đó đã được thể hiện rất rõ khi các đại biểu tranh luận để làm rõ những vấn đề còn khúc mắc trong các Dự án Luật. Điển hình như tranh luận về việc có cần thiết ban hành Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở hay không; có nên tách Luật Giao thông đường bộ thành hai Dự Luật và giao Bộ Công an quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe, nhiều đại biểu đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm cụ thể. Không chỉ nói cho có, những dẫn chứng, con số, lập luận dựa trên thực tế và thông lệ quốc tế đã được đưa ra với những góc nhìn nhiều chiều. Với những giải trình chưa thuyết phục của cơ quan soạn thảo, các đại biểu cương quyết tranh luận, phản biện, nhằm làm sáng rõ vấn đề.

Và để khách quan, lắng nghe ý chí và nguyện vọng của cử tri, Quốc hội cũng đã tiến hành lấy phiếu thăm dò về những Dự án Luật có những quan điểm khác nhau ấy, cho thấy tinh thần dân chủ đã được thể hiện tốt.

Từ nghị trường sôi động ấy, nhiều cử tri mong muốn, các đại biểu sẽ tiếp tục theo sát, để những vấn đề lớn, khó đã được tranh luận để làm sáng rõ, tìm ra tiếng nói chung, có quyết định phù hợp sẽ được thực thi hiệu quả trong cuộc sống.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần