Một tuyên bố của Mỹ thách thức hầu hết yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong một thông báo chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/7, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết quyết định này là một nỗ lực nhằm duy trì luật pháp quốc tế nhằm ngăn chặn những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
"Các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch bắt nạt nhằm kiểm soát chúng," tuyên bố của ông Pompeo nêu rõ, "có những trường hợp rõ ràng trong đó Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền đối với các khu vực mà không quốc gia nào có thể yêu cầu hợp pháp".
Ngoại trưởng Mỹ lập luận, Trung Quốc không thể yêu cầu quyền chiếm hữu đối với các vùng lãnh thổ như bãi ngầm san hô James, chỉ cách Malaysia 80km nhưng cách bờ biển Trung Quốc gần 1.852km.
Được đưa ra một ngày sau khi Philippines kỷ niệm 4 năm Tòa án trọng tài quốc tế có phán quyết về vụ kiện "đường lưỡi bò" của Trung Quốc, tuyên bố đặc biệt nhấn mạnh: "Trung Quốc không có căn cứ pháp lý để đơn phương áp đặt ý chí của mình đối với khu vực. Bắc Kinh đã không đưa ra một cơ sở pháp lý nhất quán nào cho yêu sách của mình về cái gọi là "đường 9 đoạn" ở Biển Đông kể từ khi chính thức tuyên bố vào năm 2009. Trong một quyết định thống nhất vào ngày 12//7/2016, Tòa Trọng tài được thành lập theo Luật Công ước Biển 1982 - mà Bắc Kinh là một quốc gia thành viên - đã bác bỏ các yêu sách hàng hải của nước này, coi đây là yêu sách không có cơ sở luật pháp quốc tế".
Cũng trong tuyên bố này, Washington khẳng định sẽ ủng hộ các đồng minh và đối tác ở khu vực trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của những nước này đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của các nước theo luật pháp quốc tế.
"Ở Biển Đông, chúng tôi tìm cách giữ gìn hòa bình và ổn định, duy trì tự do trên biển theo luật pháp quốc tế, duy trì dòng chảy thương mại không bị cản trở và phản đối mọi nỗ lực sử dụng sự cưỡng chế hoặc ép buộc để giải quyết tranh chấp", tuyên bố nêu rõ.
Tiêm kích và tàu sân bay Mỹ tập trận ở Biển Đông.
Nhiều nghị sĩ Mỹ đã hưởng ứng việc Washington thách thức trực tiếp và bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng điều này lẽ ra phải được thực hiện từ lâu.
“Tuyên bố này lẽ ra nên được thực hiện từ lâu”, Hạ nghị sĩ Ted Yoho - Chủ tịch tiểu ban về châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Hạ viện, tweet, cáo buộc Trung Quốc “liên tục vi phạm tuyên bố chủ quyền trên biển của các hàng xóm một cách trơ trẽn” và bồi đắp, xây dựng đồn trú quân sự trái phép trên Biển Đông nhiều năm qua.
Trong khi cựu cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton bày tỏ ủng hộ việc Mỹ thẳng thắn bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông: “Đây không phải là tỉnh nhà của Trung Quốc và sẽ không như vậy. Đã đến lúc cho những bước đi mới, chứ không chỉ còn là những cuộc tập trận khẳng định quyền tự do hàng hải, để phản đối hành vi đe doạ của Trung Quốc trong khu vực”.
Mới đây, Hải quân Mỹ hôm 4/7 đã điều động 2 tàu sân bay và một số chiến hạm hộ tống tới Biển Đông để tham gia tập trận. Động thái này diễn ra vào thời điểm Trung Quốc đang triển khai tập trận trái phép tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ 1 - 5/7.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần