Một vấn đề thuộc phạm trù đạo đức

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có một thông điệp được truyền đi mạnh mẽ trong tháng 5 này. Đó là: “Đã uống rượu bia - Không lái xe!”.

Thông điệp không mới này được đưa ra một cách quyết liệt hơn khi chỉ trong mấy ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 ở Hà Nội xảy ra hai vụ tai nạn giao thông do tài xế say rượu gây ra đã cướp đi sinh mạng của ba người phụ nữ, những người mẹ, người vợ của ba gia đình ấm êm hạnh phúc!

Sự kiện hơn 8.000 người dân cùng Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình và nhiều vị lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và Hà Nội tham gia buổi lễ truyền đi thông điệp “Đã uống rượu bia - Không lái xe” ngày 12/5 tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm cho thấy sự quan tâm, thái độ phê phán của cộng đồng trước hành vi đáng lên án này. Một quan điểm thống nhất được bày tỏ, đó là phải xử lý thật nghiêm những người có hành vi vi phạm.

Vấn đề này cũng được đề cập tới tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, khi các đại biểu tham gia ý kiến về Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, dự kiến được biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp.

Trong thực tế, đây không phải lần đầu tiên dư luận, công luận quan tâm đến vấn đề này. Còn nhớ cách đây mấy năm cũng từng có chiến dịch của các lực lượng chức năng kiểm tra một cách gắt gao nồng độ cồn với những người điều khiển xe cơ giới tham gia giao thông như trong những ngày tháng 5 này. Nhưng rồi mọi việc cũng “nguội dần” theo thời gian. Điều đó cho thấy, chúng ta đã có những chế tài xử lý được quy định, nhưng chưa được thực thi nghiêm túc.

Vấn đề càng cấp bách nếu chúng ta biết Việt Nam đang là nước có mức tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc, trung bình 42 lít/người/ năm. Việt Nam cũng thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao và tỷ lệ này ở cả hai giới đang gia tăng. Năm 2015 có 80,3% số nam và 11,6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu, bia. Một khi xã hội có quá nhiều người uống rượu, không bao giờ đủ lực lượng cảnh sát giao thông để kiểm tra, xử lý.

Với quan điểm trên, chúng ta cần khẳng định lại mục đích cuối cùng của việc áp dụng các biện pháp xử phạt. Hiệu quả của việc xử phạt là làm sao để người vi phạm thấy được sự sai trái trong hành vi của mình mà từ bỏ thói quen có hại, trong trường hợp này là vẫn lái xe khi đã uống rượu bia. Sâu xa hơn, đó là từ bỏ thói quen lạm dụng đồ uống có cồn, một tập tục xấu, không chỉ gây những hệ lụy trong lĩnh vực giao thông.

Theo các vị đại biểu Quốc hội, tác hại của rượu bia đã gây hậu quả rất nghiêm trọng cả về kinh tế, tinh thần, tạo mối lo âu cho tất cả người dân và xã hội. Bởi vậy, bên cạnh việc tăng nặng mức xử phạt như thu hồi giấy phép lái xe từ 3 - 5 năm hoặc xử phạt ít nhất 50 - 100 triệu đồng với hành vi lái xe khi đã sử dụng rượu, bia… cũng cần có những quy định, chế tài xử phạt khác, như xử phạt về hành vi ép người khác uống rượu, bia; buộc người lái xe uống rượu, bia phải tham gia lao động công ích hay các lớp giáo dục cộng đồng mới được trả giấy phép lái xe…

Một bạn đồng nghiệp mới thăm Thái Lan về cho biết trong dịp Lễ Phật Đản năm 2019, việc tuyệt đối không dùng rượu, bia được người dân xứ sở Chùa Vàng tự giác thực hiện nghiêm túc. Và cũng không chỉ trong các dịp lễ, trong những chuyến thăm Thái Lan, ông đã thấy các đồng nghiệp Thái không bao giờ dùng đồ uống có cồn vào buổi trưa, hay khi còn phải lái xe. Họ làm vậy không chỉ do sợ bị phạt nặng, kể cả phạt tù, mà còn do ý thức được hậu quả tai hại của hành vi này với cộng đồng và bản thân.

Để kết thúc bài viết này, tôi muốn nhắc lại lời kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình: "Mỗi người hãy cương quyết không uống rượu bia nếu bạn là người phải lái xe sau bữa ăn. Không mời, không ép bạn bè, người thân uống rượu, bia nếu biết rằng họ phải lái xe sau bữa ăn. Hãy từ chối, cương quyết từ chối ngồi lên xe ô tô hay mô tô mà người lái xe vừa uống rượu, bia. Những người chủ nhà hàng, quán nhậu hãy hỏi để biết và cung cấp đồ uống không có cồn cho khách hàng phải lái xe sau bữa ăn”.

Đã đến lúc chúng ta cần coi việc nhận thức mối nguy hại của tệ nạn lạm dụng rượu, bia và nói không với nó, ngoài chuyện pháp luật, còn là một vấn đề thuộc về phạm trù đạo đức!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần