Mua bán thực phẩm online: Coi chừng “tiền mất, tật mang”

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không mất thời gian đi lại, chỉ cần một chiếc máy tính hay điện thoại thông minh là có thể mua được các loại thực phẩm qua mạng. Do đó, việc mua bán thực phẩm online đang là hình thức được nhiều người chọn lựa với tiện ích như mặt hàng phong phú, giao hàng nhanh, thanh toán qua internet banking... Tuy nhiên việc mua bán thực phẩm online hầu hết là tự phát tiềm ẩn nhiều rủi ro, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Người tiêu dùng mua thực phẩm online. Ảnh: Hoài Nam
Nở rộ mua bán thực phẩm online
Với từ khóa “thực phẩm online” khi tra trên google, chỉ mất 0,52 giây đã cho ra kết quả 119.000 gian hàng. Chưa hết, tại các trang mạng facebook, zalo, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm thấy các mặt hàng thực phẩm từ tươi sống hoặc chế biến sẵn như cá kho, gà quay, thịt kho tầu... Với sự tiện dụng đó, hình thức mua thực phẩm tươi sống, đồ ăn qua mạng online đang được nhiều người chọn lựa do mặt hàng phong phú, dù giá bán cao hơn so với chợ truyền thống.
Bên cạnh những tiện ích của việc mua bán thực phẩm online thì việc sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn lại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm khá cao, nhất là hàng bán qua mạng... Nguyên nhân là hầu hết các cơ sở này đều tự phát, kinh doanh không có giấy phép, các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm. Khách hàng thường biết đến cửa hàng thông qua Facebook, các trang rao vặt, còn chất lượng sản phẩm chỉ được chủ cửa hàng cam đoan bằng niềm tin giữa người mua người bán.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan
Tham khảo giá tại một số cửa hàng online, giá các mặt hàng rau được trồng thủy canh giá cao hơn chợ truyền thống từ 5.000 - 20.000 đồng/kg, tùy loại. Cụ thể, cà rốt 35.000 đồng/kg (cao hơn 10.000 đồng); khoai tây 45.000 đồng/kg (cao hơn 7.000 đồng); cải ngọt 35.000 đồng/kg (cao hơn 10.000 đồng)… riêng các loại thực phẩm như thịt, cá, tôm có sự chênh lệch từ 25.000 - 40.000 đồng/kg. Mặc dù giá bán cao hơn chợ truyền thống nhưng nhiều “tín đồ” mua hàng online cho rằng, mua thực phẩm ở những cửa hàng online đảm bảo hơn thị trường tự do, người bán giao hàng tận nhà, nên tiết kiệm được nhiều thời gian so với mua tại chợ truyền thống… Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, trước đây thực phẩm, đặc biệt là mặt hàng rau củ tươi sống là nhóm mặt hàng khó đưa lên kinh doanh online do thói quen mua trực tiếp của người tiêu dùng, thì nay đang phát triển mạnh mẽ nhờ sự phát triển của internet.
Báo cáo Thương mại điện tử của Công ty Nghiên cứu Nielsen cho thấy, có đến 98% người tiêu dùng truy cập vào internet để mua hàng trực tuyến. Đặc biệt, chu trình thương mại điện tử đã được tối ưu giải quyết vấn đề của bảo quản, vận chuyển sản phẩm, rút gọn quy trình từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. “Điều này chứng tỏ việc mua hàng trực tuyến với dịch vụ giao hàng và thực phẩm trong những năm gần đây đang có những bước chuyển biến đáng kể" - Giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam Nguyễn Anh Dũng nhận định.
Siết chặt kiểm soát
Bên cạnh những tiện ích, trên thực tế vẫn còn không ít cá nhân kinh doanh trực tuyến qua các trang web, mạng xã hội chưa có giấy tờ kiểm nghiệm chất lượng, nguồn gốc thực phẩm từ các cơ quan chức năng, tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo VSATTP. Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc, qua kiểm tra một số địa chỉ kinh doanh thực phẩm bằng hình thức online, cơ quan chức năng phát hiện nhiều trường hợp không có chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ theo quy định pháp luật hiện hành. Ngoài ra, vi phạm khá phổ biến hiện nay là tình trạng người bán cũng chỉ là mắt xích trung gian, nhập hàng từ các chợ đầu mối hay chợ Đồng Xuân, nhưng bóc mác và nhận nhà tự làm để lấy lòng tin của người mua...
Thực tế qua kiểm tra hoạt động kinh doanh thực phẩm tươi sống online cho thấy, việc mua bán diễn ra theo hình thức thỏa thuận giữa các bên nên rất khó cho công tác quản lý. Người bán thường là cá nhân không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật nên không đăng ký kinh doanh. “Lỗ hổng” này dẫn đến người bán có thể tự do thay đổi thông tin, địa điểm kinh doanh nên rất khó kiểm tra được chất lượng sản phẩm.
Nhằm quản lý hoạt động kinh doanh thực phẩm tươi sống thông qua hình thức online, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công Thương tăng cường quản lý việc mua bán thực phẩm online; Kịp thời đưa ra các thông tin cảnh báo đến người tiêu dùng và thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo thẩm quyền. Bộ TT&TT siết chặt việc cấp phép mở các trang quảng cáo, mua bán thực phẩm, tăng cường quản lý việc sử dụng các trang thông tin điện tử quảng cáo, mua bán thực phẩm không đúng quy định.
Tuy nhiên, bên cạnh việc siết chặt quản lý của các lực lượng chức năng, các chuyên gia cũng khuyến cáo mỗi người dân cần thận trọng xem xét, lựa chọn kỹ các gian hàng online để mua được các loại thực phẩm bảo đảm VSATTP. Vì nếu không sẽ tiền mất, tật mang khi mua sắm qua mạng.