Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, thông tin về việc Công ty Asanzo nhập hàng Trung Quốc nhưng lại ghi có xuất xứ tại Việt Nam được dư luận quan tâm. Trước khi các cơ quan chức năng có kết luận chính thức thì cùng với việc tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao đối với DN ASANZO, đại diện Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao nhấn mạnh, việc làm trên đã gây tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vào hàng Việt.

 Sản phẩm điện tử của Asanzo được lắp ráp linh kiện nước ngoài đội lốt hàng Việt đã gây tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin người tiêu dùng Việt Nam. Ảnh: Minh Thương
Asanzo là công ty khá nổi tiếng trên thị trường với đồ gia dụng, điện lạnh, điện máy... giá rẻ. Theo quảng cáo của công ty này thì sản phẩm của họ được sản xuất theo dây chuyền công nghệ Nhật Bản, xuất xứ từ Việt Nam và do chính người Việt sở hữu. Xuất xứ từ những chiếc tivi giá rẻ vào năm 2014, đến năm 2016 công ty này đã lấn sân sang cả lĩnh vực điện lạnh, điện gia dụng và cả smartphone. Công ty này gây ngạc nhiên khi cho ra mắt rất nhiều sản phẩm giá rẻ trong thời gian ngắn, giá thành rất rẻ. Đến năm 2016, tivi của Asanzo đã chiếm 15% thị phần tivi của Việt Nam…
Asanzo không phải "Made in Việt Nam" mà xuất xứ tại Việt Nam, đó là lời biện minh từ người đứng đầu Công ty Asanzo, và sau đó Công ty này tiến hành họp báo giải thích về việc nhập linh kiện để sản xuất. Tuy nhiên, việc Asanzo nhập linh kiện từ nhiều DN có C/O form E do cơ quan thẩm quyền của Trung Quốc cấp là việc đã khá rõ. Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia quá trình sản xuất ra hàng hóa đó. Do đó, nếu Asanzo chỉ nhập linh kiện về lắp ráp, xé mác Trung Quốc và dán mác Việt Nam vào thì cũng không thể gọi là nơi xuất xứ của sản phẩm.
Đi cùng với câu chuyện xuất xứ hàng hóa là hàng loạt các câu hỏi liên quan đến sự nhập nhèm trong việc kê khai thuế, lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để hưởng lợi thì việc làm của Asanzo đã và đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của nhiều DN sản xuất, kinh doanh chân chính trong việc xây dựng uy tín hàng Việt. Hơn 10 năm qua, với phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các DN trong nước đã bước đầu tạo dựng được niềm tiên của người tiêu dùng với hàng hóa, dịch vụ tự sản xuất.
Tuy nhiên, Asanzo và những DN như Khaisilk, một số DN cố tình lách luật, trốn thuế, lách kẽ hở của pháp luật trong khai báo xuất xứ đã và đang là những con sâu làm rầu nồi canh. Những DN như vậy rất cần có những xử lý thích đáng để uy tín những DN làm ăn chân chính không bị ảnh hưởng, niềm tin của người tiêu dùng vào hàng sản xuất trong nước không bị giảm sút.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần