Mùa loa kèn nhớ người thơ Lưu Quang Vũ

Nhà văn Trần Thị Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/4, tại Hà Nội, chương trình thơ - nhạc “Se sẽ chứ” sẽ được tổ chức nhằm tưởng nhớ vợ chồng thi sĩ Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh.

Chương trình do đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và các cộng sự tổ chức, tiếp nối thành công của 3 lần tổ chức trước đó. Chương trình sẽ được tổ chức ở Hà Nội, Hội An (Quảng Nam), Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh.

Hồi Nhà thơ Lưu Quang Vũ đã rất nổi tiếng về thơ, tôi vẫn chỉ là người chăm đọc sách, bố gọi tôi là “con mọt”, chưa biết gì và nghĩ gì đến sáng tác.
 Vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ. 

Tôi yêu thích những bài thơ của anh, chép trong sổ tay và thuộc, để đôi khi ngân nga trong tâm “Vườn trong phố” với những câu thơ: “Trong TP có một vườn cây mát/ Trong triệu người có em của ta/ Buổi trưa nắng bầy ong đi kiếm mật/ Vào vườn rồi ong chẳng nhớ lối ra”.

Và chuyện về cuộc đời anh, một người trở về từ chiến trường, một người tay trắng với hoài bão lớn ấp ủ. Tôi chỉ kém anh 2 tuổi, nhưng tôi cáo cảm giác anh có mặt trước ở đời từ đã rất lâu bởi những sáng tác ấy, bởi tên tuổi anh đã vang lên tự bao giờ.

Thời hậu chiến, cả nước sống triền miên trong đói khổ, hậu quả của chiến tranh của cấm vận, tôi may mắn được ra nước ngoài, nhưng trong lòng khôn nguôi nhớ về đất nước. Tôi mang theo những bài thơ của anh trong va ly: “… Ta đi giữa cỏ hoang và gỗ đá/ Giữ trong lòng ngọn thác trắng trào sôi/ Một tình yêu không biết nói cùng ai/ Đến điên dại đến nghẹn ngào đau đớn/ Mặt anh vỡ trong tấm gương thất vọng/ Em ơi ngày ấy em đâu…”.

Với chị Xuân Quỳnh cũng vậy. Thơ của chị đã hay, chị sống cuộc sống cũng hay như những câu thơ chị viết. Chị yêu chồng, thương con, chăm chút mẹ cha, chị đặt tất cả sự nhiệt tình của một người đàn bà đẹp, tài và nồng ấm vào những con người xung quanh chị và cả cuộc đời.

Đã 3 năm liền, nhân dịp sinh nhật của nhà thơ Lưu Quang Vũ, thư viện "Ơ kìa" đã tổ chức kỷ niệm và liên tục đăng tải các thẻ thơ Mây trắng. Chương trình có tên là “Se sẽ chứ” (những chữ trong thơ Lưu Quang Vũ). Năm nay, chủ nhân “Ơ kìa” Nguyễn Hoàng Điệp có sáng kiến mở không gian kỷ niệm ra nhiều điểm, ở nhiều TP.

Hà Nội có 4 điểm gồm: Đại học Vinuni, Studio Phố Hoài, Viện Pháp, khoa Quốc tế trường Đại học Quốc gia); TP Hồ Chí Minh có 3 điểm gồm: Đại học Hoa Sen, Đại học Fulbright, TT Tipsy Art và các điểm khác ở Hải Phòng và Hội An. Bắt đầu từ 15 đến hết 19/4.

Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ: Chương trình “Se sẽ chứ ” là tuần thơ thật sự của công chúng, của người yêu thi ca, và thấy rằng thi ca luôn đem lại cái đẹp cho cuộc sống, làm phong phú tâm hồn, thế giới hạnh phúc hơn.

Lưu Quang Vũ sinh cách đây 73 năm tại Phú Thọ, nhưng quê gốc Đà Nẵng, sống tại Hà Nội cùng gia đình từ năm 1954. Lưu Quang Vũ đi bộ đội từ 17 tuổi Quân chủng Phòng không-Không quân.

20 tuổi ông xuất ngũ và làm đủ mọi nghề để mưu sinh. Ông viết vở kịch đầu tay “Sống mãi tuổi 17”. Giữa lúc tên tuổi ông được nhắc đến nhiều nhất, các tác phẩm của ông được chép trong các cuốn sổ tay, được đọc ở các ký túc xá, được văn nghệ sĩ bàn cãi sôi nổi, kịch được diễn liên tục trên các sân khấu thì Lưu Quang Vũ bị tai nạn bất ngờ trên quốc lộ số 5 tại Hải Dương, cùng với người bạn đời là nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ.

Thơ và kịch của Lưu Quang Vũ đã để lại một dấu ấn lớn trong lòng công chúng Việt Nam từ nhiều năm nay không chỉ bởi các tác phẩm giàu tính hiện thực phản ánh sâu đậm từng giai đoạn cuộc sống những năm mà ông trải qua mà còn vì tính nhân văn sâu sắc và khả năng dụng chữ của ông rất tài tình. Là tác giả của hơn 40 vở kịch, trong 40 năm cuộc đời, quả là một khả năng phi phàm, vở nào cũng được các đoàn nghệ thuật biểu diễn thành công dưới sự chỉ đạo của nhiều đạo diễn nổi tiếng.

Những tháng năm hậu chiến đầy thiếu thốn và cực nhọc đó, dường như người ta đi qua được nó bởi món ăn tinh thần từ những vở kịch của ông: “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Lời thề thứ 9”, “Bệnh sĩ”, “Khoảnh khắc và vô tận”, “Ông không phải bố tôi”, “Tôi và chúng ta”, “Tin ở hoa hồng”, “Nàng Sita”…

Còn thơ của ông thì không ai có thể quên: “Và anh tồn tại”, “Tiếng Việt”, “Vườn trong phố”, “Bầy ong trong đêm sâu”.

Chương trình “Se sẽ chứ” là tiếp nối những gìn giữ di sản Việt, thơ của Lưu Quang Vũ là một trong những di sản mà nhiều người muốn được chiêm ngưỡng hôm nay cũng như tương lai.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần