Mưa lũ khiến 21 người thiệt mạng, 8 người mất tích ở miền Trung

Dương Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Con số thống kê về những mất mát trong trận mưa lũ kỷ lục tại các tỉnh miền Trung lại gia tăng, lên đến 21 người thiệt mạng, 8 người mất tích.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và gió mùa Đông Bắc từ ngày 13 đến sáng 16/10, trên địa bàn các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế đã có mưa to đến rất to. Các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị có tổng lượng mưa từ 200 - 300mm; tại Quảng Bình, Hà Tĩnh tổng lượng mưa từ 400 - 600mm, nhiều khu vực mưa trên 800mm, đặc biệt ở Mai Hóa (Quảng Bình) mưa 949mm; Nghệ An tổng lượng mưa từ 100 - 250mm.
Mưa lớn làm mực nước lũ trên các sông lên nhanh, nhiều sông tại Hà Tĩnh và Quảng Bình lên mức xấp xỉ lũ lịch sử, gây ngập úng diện rộng, nhiều tuyến đường Quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông bị ngập sâu, đường sắt Bắc-Nam đi qua khu vực tỉnh Quảng Bình đã bị ngập nhiều đoạn, cản trở, ách tắc giao thông tuyến đường huyết mạch của đất nước.

Thiệt hại bước đầu tính đến nay cho thấy, đã có 21 người chết (Nghệ An: 2 người, Hà Tĩnh: 2 người, Quảng Bình: 15 người, Huế: 2 người); 8 người mất tích (Hà Tĩnh: 1 người, Quảng Bình: 7 người).
Mưa lũ cũng làm 18 người bị thương (Quảng Bình: 13 người, Quảng Trị: 3 người, Thừa Thiên - Huế: 2 người); tổng số nhà ngập, hư hỏng 100.383 nhà.

Theo thông tin từ báo cáo triển khai công tác chỉ đạo, ứng phó bão số 7 (Sarika) của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ngày 16/10, bão Sarika đã vượt qua đảo Lu dông đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 7 năm 2016.

Hồi 13 giờ ngày 16/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 670km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16.

Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 13 giờ ngày 17/10, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16-17.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 16-17. Biển động dữ dội.

Đường đi và vị trí bão số 7 (Sarika).
Đây là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp, nếu đường đi của bão không thay đổi so với dự báo hiện nay thì đây là cơn bão muộn, trái mùa đối với khu vực Bắc Bộ và xảy ra trong bối cảnh mưa lũ liên tiếp, kéo dài trong nhiều ngày ở Bắc Trung Bộ, các hồ chứa đã tích nước ở mức cao và đầy; diện tích cây trồng màu vụ Đông đã gieo trồng rất lớn,... 

Do vậy, việc ứng phó với cơn bão số 7 đặt ra những tình huống hết sức phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc quyết tâm ở mức cao nhất của tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương, nhằm chủ động và hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, sản xuất của nhà nước và nhân dân.
Trước những tình hình trên, Ban Chỉ đạo đề nghị Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo những công việc sau:

UBND các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, hoặc thoát ra khỏi, không đi vào khu vực nguy hiểm trong 24h tới, được xác định là phía Bắc Vĩ tuyến 140N và phía Đông Kinh tuyến 111.5 0E (khu vực nguy hiểm sẽ được điều chỉnh tùy theo diễn biến của bão).

Kiểm đếm, quản lý chặt chẽ hoạt động của các tàu thuyền, kể cả các tàu vận tải, tàu du lịch; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra;

Tùy theo tình hình diễn biến cụ thể của bão chủ động việc cấm biển và quyết định cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Tổ chức kiểm tra an toàn các hồ chứa, vận hành cửa van, xả nước đón lũ đảm bảo an toàn đập, hạ du các hồ chứa đặc biệt là các hồ chứa đã đầy hoặc gần đầy nước, các đập xung yếu.

Rà soát các khu nuôi trồng thủy sản, dân cư tại những vùng thấp trũng có nguy cơ ngập lụt ven sông, ven biển để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn; đồng thời chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hầm lò, bến cảng, khu du lịch.

Riêng đối với các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế (đang xảy ra lũ lụt): Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các công điện số 1826/CĐ-TTg và số 1827/CĐ-TTg ngày 15/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia tăng cường, bám sát diễn biến của bão, mưa lũ; thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin kịp thời đến các Bộ ngành, địa phương và nhân dân để chủ động phòng, tránh.

Bộ Quốc phòng chủ động rà soát các phương án, chỉ đạo các lực lượng, huy động các phương tiện, phối hợp cùng với chính quyền địa phương sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Người dân miền Trung dỡ ngói lên nóc nhà thoát lũ. Ảnh Phongchongthientai.vn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo các tỉnh khẩn trương thu hoạch diện tích lúa mùa đã chín; chủ động triển khai phương án bảo vệ diện tích hoa màu vụ Đông đã xuống giống; sẵn sàng các giải pháp kỹ thuật, chuẩn bị dự phòng giống cho sản xuất nông nghiệp để kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ; chủ động rà soát, kiểm tra, vận hành đảm bảo bao toàn đê điều, hồ đập; hệ thống thủy lợi.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo việc đảm bảo an toàn các tàu vận tải, kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn, tránh đứt dây neo ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng, va đập giữa các tàu như đã từng xảy ra trong thời gian qua; kiểm tra, bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực trọng điểm để kịp thời khắc phục các sự cố đảm bảo giao thông đường bộ, đường sắt.

Bộ Công thương chỉ đạo việc rà soát hệ thống điện lưới để đảm bảo nguồn điện phục vụ sản xuất, dân sinh; phương án đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu cho các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng; chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn các hầm mỏ, hồ chứa thủy điện.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị trực thuộc gia cố, chằng chống các cột ăng ten đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ; sẵn sàng phương án đảm bảo thông tin, liên lạc phục vụ chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với bão, mưa lũ.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài thông tin Duyên Hải và các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của bão, tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng tránh, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa và khu vực bãi ngang ven sông, ven biển.

Các Bộ ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương sẵn sàng, chủ động triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để ứng phó và khắc phục hậu quả.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức thường trực theo dõi chặt chẽ tình hình bão, mưa, lũ; chỉ đạo, đôn đốc các các Bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các biện pháp ứng phó; kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các tình huống cấp bách.