Mùa vải thiều năm 2017: Nội địa vẫn là thị trường chính

Minh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nửa đầu tháng 6 mới bắt đầu vào chính vụ thu hoạch vải thiều, nhưng thời điểm này, tại chợ, quầy hàng hoa quả trên các tuyến đường Hà Nội, vải đã được bày bán với nhiều mức giá khác nhau.

Vải sớm đầu mùa giá cao ngất ngưởng
Vụ thu hoạch vải năm trước, giá bán đầu mùa khá thấp khiến người dân trồng vải lo lắng được mùa mất giá, Nhưng năm nay, vải sớm đầu mùa mặc dù giá cao vẫn được người tiêu dùng tiêu thụ mạnh.
Chị Hương, chủ cửa hàng hoa quả tại khu tập thể Trung Tự cho biết, loại vải chị bán có xuất xứ từ Thanh Hà (Hải Dương), do mới vào mùa nên giá biến động từng ngày. Giá vải năm nay cao hơn những năm trước. Cuối tuần vừa rồi, khi vải mới chín bói, giá bán 80.000 đồng/kg, thời điểm này vải chín nhiều nên có hạ xuống chút ít, khoảng 60.000 đồng/kg. Còn tại các cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm sạch, giá bán lên đến 106.000 - 120.000 đồng/kg.  Trong khi đó, trên các tuyến phố của Hà Nội, hàng xe thồ, gánh hàng rong đang quảng cáo bán vải thiều với giá “mềm” hơn, 35.000 - 40.000 đồng/kg.

Người tiêu dùng chọn mua vải thiều tại điểm bán lẻ của Hapro. Ảnh: Hoài Nam

Chị Loan kinh doanh hoa quả tại chợ đầu mối phía Nam cho biết: Sở dĩ giá vải bán trên thị trường chênh lệch nhau bởi tùy thuộc vào chất lượng và giống vải. Loại vải sớm còn gọi là vải chua, vải tu hú có giá bán chỉ 10.000 - 15.000 đồng/kg, loại vải này thường được hàng rong bày bán. Còn vải u trứng và u hồng, giá mua tại vườn đã 30.000 - 35.000 đồng/kg, khi đến tay người tiêu dùng thì giá bán 50.000 - 60.000 đồng/kg là điều bình thường.
Còn theo đại diện cửa hàng tự chọn B11 Kim Liên: Vải bày bán trong cửa hàng có giá 100.000 đồng/kg là loại vải được tuyển chọn từ các nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn Vietgap hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng ngon và thời gian bảo quản lâu hơn, nên giá cao so với vải đang bán trên thị trường.
Hỗ trợ người trồng tiêu thụ sản phẩm
Mặc dù năm nay thời tiết bất lợi nên vải thiều giảm sản lượng nhưng cung vẫn cao hơn cầu, bởi thị trường nội địa chỉ tiêu thụ khoảng 60% sản lượng, số còn lại vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Điều đó đòi hỏi các DN bán lẻ phải sớm có phương án hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm.
Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, sản lượng vải thiều tỉnh Bắc Giang so với năm trước giảm khoảng 40.000 tấn, nhưng tổng sản lượng vụ vải năm nay vẫn đạt 100.000 tấn. Tỉnh Hải Dương hiện đang duy trì 10.600ha vải, dự kiến sản lượng đạt khoảng 40.000 tấn trong mùa thu hoạch 2017. Năm nay, để chuẩn bị cho tiêu thụ vải thiều, Bộ Công Thương đang có những động thái hỗ trợ cụ thể. Theo đó, ngoài một số chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ người dân quảng bá sản phẩm vải thiều tới người tiêu dùng, Bộ Công Thương sẽ tạo mọi điều kiện để DN xuất khẩu vải sang Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc..., qua đó hạn chế đến mức tối đa việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Theo thông tin từ Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), trong tháng 6, Sở Công Thương và UBND tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại TP Bắc Giang. Đồng thời, tiếp tục liên kết với Sở Công Thương Hà Nội tổ chức tuần lễ vải thiều tại hệ thống siêu thị Hà Nội với thời gian dài hơn lần tổ chức trước.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng: Sở Công Thương các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và các DN tiêu thụ vải bên cạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường mới có yêu cầu chất lượng cao như Anh, Mỹ, Pháp, Australia… cần đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá sản phẩm tại thị trường nội địa. Bởi trái vải có thời gian thu hoạch ngắn, theo đó tập trung thị trường trong nước cũng là cách để giá trị tiêu thụ đạt mức cao nhất.
Theo thông tin từ Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), trong tháng 6, sẽ tổ chức một hội nghị xúc tiến quảng bá vải thiều Lục Ngạn tại Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tiếp giáp Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), qua đó tạo cơ hội cho DN, HTX giao thương tìm kiếm đối tác tiêu thụ vải cho người dân.