Mừng tuổi bằng sách: Hồi sinh nét đẹp văn hóa đọc

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày đầu năm mới Tân Sửu này, việc mừng tuổi bằng sách đã trở thành câu chuyện được nhiều người quan tâm, bàn luận sôi nổi trên các mạng xã hội và diễn đàn của những người đam mê đọc sách. Tranh luận tập trung vào việc nên mừng tuổi sách như thế nào vừa túi tiền, để người trao và người nhận đều vui vẻ, trở thành một nét đẹp văn hóa vào ngày Tết.

 Trẻ em thích thú đọc sách vào dịp Tết tại phố sách Hà Nội. Ảnh: Lại Tấn
Truyền cảm hứng đọc sách

Mở cửa từ ngày mùng 3 Tết, phố sách Hà Nội thu hút đông đảo du khách mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Người dân đến phố sách lựa chọn những cuốn sách hay để tặng cho người thân. Phụ huynh đưa con cháu đến phố sách vui chơi, du Xuân và mua những cuốn sách mới còn thơm mùi mực in để mừng tuổi. Bên cạnh đó, trên mạng xã hội những hình ảnh người lớn mừng tuổi cho trẻ em bằng sách được chia sẻ rộng rãi ở nhiều diễn đàn. Theo đánh giá của đa số người tham gia các diễn đàn về sách, Tết đến trẻ nhỏ đều mong ngóng nhận được quà mừng tuổi từ người lớn như một thói quen, nhưng không nhất thiết phải bằng tiền."Mừng tuổi bằng sách sẽ mang đến những giá trị tinh thần, sẽ tạo dựng văn hóa đọc cho các em" - PGS.TS Trịnh Hòa Bình - chuyên gia xã hội học chia sẻ. Không những thế, khi mừng tuổi bằng sách cảm giác về mệnh giá tờ tiền sẽ ít nhiều giảm đi. Những ngày Tết, nhà báo Trương Anh Ngọc đã viết lên trang cá nhân của mình: Mấy ngày này, nhà mình lại đi các hiệu sách chỉ để làm một việc duy nhất là mua sách thiếu nhi mừng tuổi cho bọn trẻ. Nhà mình từ nhiều năm nay không mừng tuổi cho trẻ con bằng tiền nữa. Đừng nghĩ là mình tiếc tiền... Nhà mình làm điều ấy chính là vì muốn tiếp tục truyền cảm hứng cho trẻ về ý thức đọc sách, tình yêu với sách, một thế giới mà chúng nên tiếp cận, thay vì nhận được tiền lì xì từ khi còn bé.

Trên một diễn đàn phát động về phong trào tặng sách dịp Tết, chị Nguyễn Thị Ngọc Điệp chia sẻ: "Trong gia đình, tôi cũng đã và đang từng bước hình thành thói quen đọc sách cho cô con gái nhỏ của mình. Từ những cuốn truyện cổ tích ngắn, dễ thuộc, dần dần là các tác phẩm văn học, triết lý sâu xa. Tết năm ngoái, biết cô con gái đang háo hức chờ được nhận bao lì xì từ bố mẹ. Nhưng tôi lại tặng con bé cuốn “Trong gia đình”. Lúc thấy món quà, con bé đã cười rất tươi. Và tôi biết mình đã làm đúng".

Băn khoăn của người lớn

Mừng tuổi bằng sách là nét văn hóa đẹp nhưng theo nhiều bậc phụ huynh, người lớn khi lựa chọn sách để lì xì phải hiểu sở thích, thể loại sách trẻ nhỏ yêu thích, mong muốn đọc. Nhưng nhiều người băn khoăn vì khó mà biết chắc cuốn này trẻ đã đọc và cuốn kia trẻ chưa đọc. Để không mất quá nhiều thời gian cho việc lựa chọn sách để lì xì, một vị phụ huynh có mặt tại nhà sách Tân Việt cho rằng tốt nhất nên chọn sách mới vì có thể gia đình chưa kịp mua, tránh trường hợp sách hay, sách kinh điển nhưng trẻ đã đọc. Hoặc với những người quá bận rộn, việc sâu sát như vậy chỉ có thể mua sách lì xì cho chính con, cháu trong gia đình, chứ chưa dễ dàng để thực hiện mức độ rộng hơn.

Mặt khác, một số phụ huynh cũng tỏ ra băn khoăn mừng tuổi bằng sách “cồng kềnh” hơn lì xì bằng tiền. Nếu lì xì bằng tiền, chỉ cần mang theo bên mình một chiếc túi nhỏ. Tuy nhiên, nếu lựa chọn lì xì bằng sách thì sự cồng kềnh đó sẽ tỷ lệ thuận với số sách cũng như số người dự định sẽ được lì xì. Vì vậy, lựa chọn sách để lì xì cũng phải có phương án mang sách đi chúc Tết theo. Một vấn đề nữa không thể không nhắc tới là giá sách. Liệu có dễ dàng tìm được những cuốn sách có nội dung phù hợp mà giá tương đương với số tiền định mừng tuổi. Bởi nếu giá sách quá cao, thì e rằng việc lựa chọn sách để lì xì rất khó thực hiện rộng, nhất là với những người túi tiền còn khá eo hẹp... Tuy nhiên, để thay đổi một nét văn hóa truyền thống lâu đời cũng cần có thời gian và sự phù hợp. Tặng sách không có nghĩa là bỏ luôn thú vui tặng lì xì đầu năm. Người lớn có thể định hướng trẻ em đến các nhà sách, phố sách, sử dụng tiền mừng tuổi vào việc có ích cho kiến thức và tương lai.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần