Muôn kiểu ứng xử của giới trẻ trong rạp phim

Phạm Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xả rác bừa bãi, vô tư thể hiện tình cảm và tranh nhau chen lấn, xô đẩy trong các rạp chiếu phim hay những nơi công cộng đang là minh chứng cho việc xuống cấp ý thức của không ít các bạn trẻ hiện nay.

 Quầy bán vé Trung tâm chiếu phim Quốc gia luôn chật cứng người trong những khung giờ vàng. Ảnh: Chiến Công 
Ý thức kém
Vào khung giờ vàng ở những rạp chiếu phim tại Hà Nội như Trung tâm chiếu phim Quốc gia, CGV hay Beeta... thường tập trung khá nhiều thanh niên. Tuy nhiên không khó để bắt gặp những cảnh tượng không mấy đẹp mắt của các bạn trẻ ngay từ khi bước chân vào cổng rạp. Xung quanh khu vực chờ mua vé từng đám thanh niên chen lấn, xô đẩy.
Người già, trẻ nhỏ bị đẩy lùi ra sau vì một bộ phận thiếu ý thức. Ai cũng chỉ quan tâm mua sao cho được vé vào rạp mà quên mất ý thức xếp hàng. Không chỉ vậy, họ cười to, nói lớn, tạo nên thứ âm thanh hỗn độn, ầm ĩ, gây không ít khó chịu cho những người xung quanh.

Đáng chú ý, theo lời chia sẻ của chị Ngọc Huyền – nhân viên vệ sinh tại một rạp chiếu phim trên địa bàn TP Hà Nội: “Nhiều người coi rạp chiếu phim như nhà mình, ăn uống bừa bãi, rác vứt lung tung. Có người vô ý thức đến mức còn bôi cả bã kẹo cao su xuống thành ghế, rất mất mỹ quan và bẩn”. Tình trạng ý thức kém của những bạn trẻ trong rạp còn đáng lo ngại khi họ “vô tư thái quá” trong các phòng chiếu. Nhiều cặp đôi nam nữ yêu nhau thường chọn đặt cho mình những cặp ghế đôi, xa màn hình để tiện tâm sự. Nhiều đôi tình nhân lợi dụng bóng tối thoải mái thể hiện tình cảm ôm ấp, gần gũi… mặc kệ những ý kiến xì xào, bàn tán xung quanh.

Nhức nhối nhất trong thời gian gần đây tại các địa điểm phát hành phim ở Hà Nội là nạn sao chép bản quyền. Thông tin rõ hơn về điều này, Anh Thư – nhân viên làm việc tại một phòng chiếu trên địa bàn Hà Nội cho biết, một số người vào rạp chỉ để quay lại những đoạn phim hay hoặc toàn bộ để thực hiện mục đích cá nhân.
Hơn nữa, thủ đoạn của họ ngày càng tinh vi, trước đây là quay bằng điện thoại, máy ảnh cỡ nhỏ, giờ đây họ còn dùng cả những mắt camera mini rất bé, khó bị phát hiện. “Nhiều phim mới chiếu rạp lúc sáng, chiều trên mạng đã đầy đủ các bản cam hay demo được phát miễn phí trên mạng” – chị Thư cho biết.

Thay đổi từ suy nghĩ đến hành động

Những thông tin trên đã chứng minh ý thức của giới trẻ đã và đang thay đổi từng giờ. Tình trạng báo động trên là vấn đề lớn đòi hỏi cần có sự lưu tâm của gia đình cũng như các nhà nghiên cứu văn hóa để cải thiện được nét ứng xử của giới trẻ trong giai đoạn hiện nay. Theo nhà nghiên cứu xã hội học Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học), ứng xử của giới trẻ Việt Nam xuống cấp là minh chứng cho chủ nghĩa cá nhân và tính ích kỷ còn tồn tại dai dẳng.
“Nếu nhìn nhận một cách hời hợt thì ai cũng nghĩ tình trạng này là kiểu sinh hoạt thường ngày của giới trẻ. Tuy nhiên, xét góc độ cụ thể hơn thì đó không chỉ là sự ồn ào, huyên náo mà là sự nông cạn trong chiều sâu văn hóa. Ứng xử của giới trẻ hiện nay vừa hàm hồ, vừa ăn xổi và mang nặng tính bắt chước; không suy ngẫm để đưa ra hành động tốt, lối ứng xử văn minh” – PGS.TS Trịnh Hòa Bình chia sẻ.

Theo các chuyên gia tâm lý, để giải quyết vấn đề này, thanh niên Việt Nam cần xóa bỏ triệt để chủ nghĩa hình thức đã tồn tại suốt bao năm qua. Thanh niên ai cũng bao gồm những tính cách tốt như năng động, ham học hỏi, ưa tìm tòi cái mới và thích ủng hộ sự tiến bộ của xã hội. Nói một cách khác là thanh niên hiện nay dám nghĩ dám làm; tuy nhiên, tính tổ chức hành động của một bộ phận đang rất yếu.

Thủ đô Hà Nội đang triển khai và phổ biến bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, những người trẻ nên là những nhân tố tiên phong, đi đầu trong việc tuyên truyền và thực hiện chính những quy tắc ứng xử đó, để từng bước hình thành những nhân cách tốt trong cộng đồng, góp phần xây dựng một Hà Nội văn minh và thanh lịch.