Muốn nâng chất lượng cán bộ, đừng ngại động chạm

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến vào dự thảo “Nghị định (NĐ) quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc T.Ư” theo hướng hợp nhất để giảm đầu mối cấp sở, ngành (thay thế NĐ 24/2014/NĐ-CP).

 Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh
Đồng tình đây là hướng đi tất yếu, song nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cũng bày tỏ băn khoăn về sự thiếu quyết liệt của chủ trương này, dễ sa vào việc đơn thuần thu gọn đầu mối mang tính… cơ học.
Mới đạt mục tiêu giảm đầu mối

Dự thảo NĐ về tổ chức cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đang nhận được nhiều ý kiến, trong đó việc hợp nhất, sáp nhập các sở. Quan điểm của ông thế nào?

- Sáp nhập, hợp nhất các sở, ngành là đòi hỏi cấp thiết, vì một nền hành chính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả từ T.Ư tới cơ sở, trong khi NĐ24, NĐ37 cho thấy chúng ta đang “lửng lơ” ở cấp sở và huyện, nên cần được thay thế. Dù vẫn nói ở T.Ư có bộ ngành nào thì địa phương không nhất thiết phải đủ vậy, nhưng đó chỉ là cách nói, bởi nếu thực hiện, sẽ vướng trong chỉ đạo.

Trong khi, chúng ta đang đề cập nhiều đến một nền hành chính công mới thay cho nền hành chính truyền thống và chương trình CCHC Nhà nước đã đề cập rất rõ ràng, đó là xây dựng “Nhà nước kiến tạo, phát triển”. Hơn nữa, ta đang quyết liệt cải cách TTHC, mà bớt đầu mối sở thì sẽ giảm đáng kể TTHC cho người dân.
 Làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Thanh Xuân. Ảnh: Thanh Hải

Ông vừa nhắc đến thông điệp “Nhà nước kiến tạo, phát triển” của người đứng đầu Chính phủ. Theo ông, dự thảo NĐ lần này liệu có góp phần đạt được mục tiêu đó?

- Có thể thấy việc sắp xếp sở, ngành lần này sẽ góp phần giải quyết, hạn chế sự chồng lấn của một số lĩnh vực trong quá trình làm việc. Song mục tiêu mới dừng ở đó, chứ chưa quan tâm đầy đủ đến Nhà nước kiến tạo, phát triển - được hiểu là nhà nước nhỏ - xã hội lớn: Nhà nước chỉ quản lý, làm những việc mà xã hội, tư nhân không làm được; chỉ “lái thuyền” đúng hướng, nhanh đến đích, còn “chèo thuyền” phải do toàn dân. Ý tôi là cần rà soát, chuyển giao nhanh những nhiệm vụ mà Nhà nước làm không hiệu quả cho khu vực tư nhân và tổ chức xã hội, đoàn thể, từ đó mới góp phần tinh giản bộ máy, đội ngũ.

"Quy định số lượng cấp phó trong cơ quan chuyên môn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh (sở có 6 đầu mối trở lên có không quá 4 Phó Giám đốc; sở dưới 6 đầu mối, không quá 3 phó), số cấp phó như vậy còn cao, nhưng cũng tạm chấp nhận được. Lâu nay, từ bộ đến sở được bố trí nhiều phó cũng một phần để giải quyết việc… đi họp. Công tác điều hành đang thể hiện mâu thuẫn: Muốn giảm cấp phó, muốn giảm họp, nhưng thực tế họp ngày càng nhiều, mà người chủ trì họp thường muốn trực tiếp lãnh đạo đơn vị đến dự. Vậy nếu 3 cuộc họp/ngày thì lãnh đạo đi sao hết?" - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh

Tôi thấy dự thảo mới đơn thuần đặt vấn đề giảm đầu mối sở, để giải quyết chồng chéo, mà chưa bàn đội ngũ còn bao nhiêu, tức là mới hợp nhất một cách cơ học. Trong khi, mấu chốt để thu gọn bộ máy là phải xuất phát từ rà soát lại chức năng nhiệm vụ các cơ quan theo hướng Nhà nước kiến tạo, phát triển, từ đó mới cơ cấu lại tổ chức bộ máy. Nhiều sở đang chồng chéo về công việc, giờ nhập vào sẽ triệt tiêu, hạn chế được điều đó. Song, tôi thấy sáp nhập như vậy thì cơ quan Nhà nước còn rất cồng kềnh về chức năng, nhiệm vụ, vẫn đang nắm quá nhiều việc; nhiều CBCC phải làm cả thứ Bảy, Chủ nhật và hàng ngày đến 18 - 19 giờ, nhất là tại các Sở Tài chính, KH&ĐT...

Để đạt được mục tiêu “Nhà nước kiến tạo, phát triển”, NĐ này nên xây dựng theo hướng nào để giải quyết được những vấn đề nội hàm, chứ không chỉ là thu hẹp đầu mối bên ngoài và giảm chồng chéo một số lĩnh vực?

- Trước hết, chúng ta cần rà soát từng lĩnh vực cụ thể xem Nhà nước quản việc gì, phải chuyển giao việc gì. Trong chương trình CCHC và Nghị quyết 18 lần này cũng cần đưa ra yêu cầu chuyển giao mạnh, xã hội hóa, phân cấp phân quyền nhiều. Theo phương án sáp nhập một số sở như Dự thảo, chưa chắc giải quyết được cồng kềnh từ bên trong, bởi vẫn chức năng, nhiệm vụ ấy, nên vẫn rất nặng nề, Nhà nước vẫn quản nhiều quá.

Theo tôi, ở T.Ư chỉ nên tập trung vào thể chế, hoạch định chính sách, kiểm tra giám sát. Lấy ví dụ tại Bộ GD&ĐT, công tác thi cử nên giao về các trường. Bộ, sở không nên “ôm” mà phân cấp hoặc chuyển giao những phần thuộc về tác nghiệp hay hành chính công cho cấp huyện, xã, tư nhân làm. Đúng là chúng ta đang làm điều này rồi, nhưng cần mạnh hơn. Dự thảo này thực hiện theo Nghị quyết 18, nhưng mới tập trung cho cấp sở, huyện chứ chưa làm ở trên, cho thấy chủ trương rất đúng nhưng khi làm cụ thể thì chưa đầy đủ. Như vậy, rất khó đạt mục tiêu tinh giản đội ngũ.

Tính toán kỹ sở nào giữ, sở nào nhập

Theo Dự thảo NĐ, có tới 17 sở có thể hợp nhất, sáp nhập. Ông đánh giá các phương án đưa ra đã thể hiện được quyết tâm tinh giản bộ máy?

- Theo phương án đề xuất, có 4 sở tùy đặc thù (QH&KT, Du lịch, Ngoại vụ, Ban Dân tộc TP), 17 sở thống nhất chung cả nước. Trong 17 sở này, Dự thảo xác định 4 sở ổn định là Tư pháp, TN&MT, LĐTB&XH, Y tế; 3 sở Nội vụ, Thanh tra Nhà nước, Văn phòng thì đề xuất giao tỉnh, TP quyết định thí điểm hay không; còn lại 10 sở giao UBND đề xuất HĐND tùy điều kiện cụ thể của tỉnh, TP để quyết định sáp nhập hay không.

Phương án như vậy, tôi thấy không ổn, không thể hiện tính cách mạng, dường như còn ngại “động chạm”. Nếu Bộ đã xác định trong 10 sở có những sở có giao thoa, chồng chéo thì sao không kiên quyết yêu cầu sáp nhập luôn mà lại đặt ra một “khung” rồi “tùy từng địa phương”? Như thế, sẽ có tỉnh tự nhập một số sở nào đó không thuộc dạng bị “chồng chéo” như xác định của T.Ư, hoặc chỉ sáp nhập mức nào đó, trong khi có thể nhập nhiều sở hơn. Hoặc với phương án cho TP tự quyết thí điểm với 3 sở, đáng lẽ T.Ư cần chỉ định rõ tỉnh, TP nào làm điểm. Những điều đó thể hiện tính nửa vời của dự thảo, mới chỉ giải quyết một phần rất nhỏ mục tiêu tinh giản.

Vậy nên giữ hay sáp nhập những sở, ngành nào?

- Theo tôi, các phương án đều cần tính lại. Kể cả 4 sở đặc thù, các tiêu chí cũng không ổn. Chẳng hạn, Sở Ngoại vụ thì tiêu chí là địa phương đó phải có cửa khẩu nội bộ hoặc cửa khẩu hàng không, cảng quốc tế, KCN - KCX… Nhưng vấn đề là sở chuyên làm đối ngoại, kể cả kết nghĩa với các tỉnh, đều phải thông qua Nhà nước, dù ở KCN - KCX hoặc cửa khẩu thì địa phương đó cũng chỉ quản lý về trật tự trị an, còn xuất nhập khẩu hoặc đối ngoại thì chủ yếu Nhà nước tiến hành. Nên tôi nghĩ không cần thiết có sở này.

Với các Sở KH&ĐT và Tài chính, Xây dựng và GTVT, có thể sáp nhập với nhau vì cùng chức năng quản lý vốn hoặc hạ tầng. Riêng Hà Nội, tuy nội dung quản lý nhà nước giống các địa phương khác, nhưng rà soát lại chức năng nhiệm vụ cho thấy khối lượng, đầu mối công việc rất lớn, lại đông dân, nên dù giảm đầu mối sở, nhưng có thể cho tăng quy mô sở, thêm người làm trong đó, chứ không nhất thiết để nguyên hoặc giảm CBCC. Bởi tinh giản biên chế không có nghĩa chỉ giảm, mà vẫn phải tăng người ở chỗ cần. Còn về Sở TT&TT, cần tính kỹ có nên nhập vào Sở VHTT không, vì tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có nhiều việc về truyền thông, báo chí, mạng xã hội, công nghệ 4.0...

Xin cảm ơn ông!