Mượn thông tin cá nhân để mở tài khoản, thẻ ngân hàng: Mánh cũ, nạn nhân mới

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục phát đi cảnh báo về việc cho mượn giấy tờ cá nhân đi mở tài khoản và thẻ ngân hàng rồi bán lại gây nhiều rủi ro cho chủ thẻ.

Trên thực tế, việc này không phải bây giờ mới xảy ra, cách đây vài năm Bộ Công an đã có cảnh báo tình trạng các đối tượng phạm tội sử dụng tài khoản do người khác đứng tên để lừa đảo.

Nguy cơ thành con nợ, tiếp tay tội phạm

Với thủ tục đơn giản, chỉ cần dùng Chứng minh nhân dân có thể mở tài khoản, hình thức "bán" tài khoản đang diễn ra ở nhiều nơi. Các đối tượng có ý định thuê mở cùng lúc nhiều thẻ của nhiều ngân hàng khác nhau.
Cảnh giác khi cho người lạ mượn giấy tờ cá nhân để mở thẻ ngân hàng. Ảnh: Hải Linh
Nguyễn Thu Hà (sinh viên Đại học Hà Nội) cho biết: “Đợt gần đây, tôi thường xuyên gặp trường hợp người thân, bạn bè, thậm chí là người lạ đến mời hoặc năn nỉ cho mượn giấy tờ để mở thẻ ngân hàng dù bản thân không có nhu cầu. Đó là chưa kể tới, trong diễn đàn hoặc mạng xã hội, mỗi ngày cũng phải 5 – 6 người đăng tin mua hình ảnh Chứng minh nhân dân”.

Tuy vậy, chỉ cần sơ ý, người cho thuê mở thẻ, mở tài khoản có thể phải gánh nợ thay bởi có thể thẻ được mở là các loại thẻ tín dụng và được cấp hạn mức dư nợ khác nhau. Họ còn có thể phải liên đới chịu trách nhiệm dân sự, bồi thường thiệt hại khi để người thuê tên mở thẻ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thậm chí, có thể bị xử lý hình sự nếu biết rõ người thuê mở thẻ sử dụng các thẻ ATM vào hành vi vi phạm pháp luật.

Trên trang cá nhân, anh M.T chia sẻ: "Tôi được người ta thuê làm thẻ, đơn giản vì chỉ nghĩ trong tài khoản không có tiền. Tuy nhiên, làm đến thẻ của ngân hàng thứ 3, phát hiện họ dùng tài khoản để rửa tiền, vì lo sợ, tôi đã đến ngân hàng xin hủy thẻ, đóng tài khoản, nhưng từ đó số điện thoại của tôi liên tục bị các đối tượng gọi điện, hù dọa... Hiện nay, tôi buộc phải đổi phòng trọ, số điện thoại” -anh T cho hay.

Ngân hàng cũng rủi ro

Trong thời gian qua, cơ quan điều tra liên tục khám phá nhiều vụ án liên quan đến việc các đối tượng phạm tội sử dụng tài khoản do người khác đứng tên để lừa đảo. Câu chuyện còn bắt nguồn từ việc chạy đua dịch vụ bán lẻ, phát hành các loại thẻ tín dụng ở Việt Nam.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trần Sỹ Hoàng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: “Có trường hợp vì "chạy" chỉ tiêu mở thẻ của các ngân hàng nên chính cán bộ nhân viên ngân hàng đã mượn thông tin bạn bè, người thân để mở thẻ tràn lan khiến số lượng tài khoản ảo tăng rất cao, các rủi ro phát sinh sau đó thì không kiểm soát”.

Nhân viên ngân hàng chỉ cần tìm kiếm khách hàng có đầy đủ thông tin cá nhân, địa chỉ thường trú, tạm trú rõ ràng… là phát hành thẻ. Thậm chí khách hàng không cần đến ngân hàng vẫn có thể được phục vụ tận nơi. Nhưng kéo theo đó là “ẩn họa” nợ xấu cho các ngân hàng, vô tình tạo điều kiện cho kẻ xấu thực hiện hành vi lừa đảo.

Việc mở thẻ tràn lan cũng là nguyên nhân khiến số tài khoản ảo gia tăng. Số liệu của Hội Thẻ Việt Nam, lượng thẻ ngân hàng phát hành tính đến cuối năm 2017 là 132 triệu thẻ. Nhưng có tới 55 triệu là thẻ rác vừa lãng phí lại vừa ảnh hưởng đến tình hình tiền tệ của ngân hàng.

NHNN mới đây đã yêu cầu khi đăng ký internet banking phải dùng số điện thoại “chính chủ”; xem xét giới hạn số lượng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng. Cơ quan quản lý khuyến cáo, người dân không mở hộ hoặc cho mượn giấy tờ tùy thân để đăng ký mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng. Cùng với đó thực hiện các biện pháp kiểm tra và giám sát chặt chẽ đảm bảo quy trình mở thẻ và tài khoản, phổ biến tới toàn thể nhân viên và người quản lý có trách nhiệm, xử lý nghiêm cán bộ không tuân thủ đầy đủ quy định.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đồng tình: "Các ngân hàng cần có trách nhiện đào tạo đội ngũ nhân viên, cảnh báo về nguy cơ của những đối tượng lừa đảo và đề xuất cho khách hàng những phương án bảo mật". Đa số nhân viên ngân hàng hiện nay chỉ có chuyên môn trong việc bán các dịch vụ của ngân hàng mà không hề được đào tạo để hướng dẫn và khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ an toàn.

Các luật sư cho rằng, trường hợp người dân "lỡ" cho thuê/ mượn thông tin để mở thẻ thì hãy liên hệ các ngân hàng để yêu cầu đóng tài khoản ATM và nói thật với các NH là người khác đang sử dụng thẻ ATM do mình đứng tên để phòng tránh các rủi ro phát sinh. Người dân cần tìm hiểu rõ các thông tin liên quan đến những người thuê nhờ mở thẻ ATM và báo ngay với cơ quan chức năng để xác minh, làm rõ động cơ, mục đích của họ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần