Mường Thanh góp sức hạ "cơn khát" nhà giá rẻ

Minh Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chọn con đường gập ghềnh mang tên phân khúc nhà ở giá rẻ, những năm qua, Tập đoàn Mường Thanh đã giúp hàng chục nghìn người Hà Nội có mức thu nhập trung bình được an cư, góp phần hạ “cơn khát” nhà ở giá rẻ đang bức thiết ở Thủ đô.

Nghịch lý thị trường

Khởi đầu với Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu từ những năm đầu thập niên 1990. Từ đó đến nay, Mường Thanh không ngừng phát triển lớn mạnh và trở thành tập đoàn tư nhân hoạt động trên nhiều lĩnh vực: Xây dựng và kinh doanh du lịch, đầu tư bất động sản (BĐS); kinh doanh các dự án thương mại, kinh doanh tài chính… Trong bối cảnh hầu hết các “đại gia” BĐS làm ngơ với phân khúc nhà ở giá rẻ, Mường Thanh đã không ngừng vượt khó để tạo ra 60 tòa chung cư với khoảng 25.000 mái ấm cho hàng chục nghìn hộ dân.
 Khách hàng tham khảo thông tin một dự án nhà ở giá rẻ tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Mường Thanh Trương Xuân Danh mổ xẻ: “Các DN không mặn mà với phân khúc nhà ở giá rẻ vì lợi nhuận thấp, thậm chí hòa vốn hoặc phải bù lỗ. Sau khi đối tượng ổn định, các DN không thể thu phí dịch vụ cao để hưởng lợi như ở những chung cư cao cấp. Mặt khác, DN tư nhân không được hỗ trợ bất cứ thứ gì, phải tự xoay xở từ vốn, mặt bằng, thuế… nên để làm được một tòa nhà giá rẻ, họ phải nỗ lực rất nhiều. Nhưng, DN Nhà nước làm nhà ở xã hội lại được ưu đãi về thuế, đất, vay vốn…, do đó, làm nhà lên rồi, đôi khi DN tư nhân lại phải đương đầu với thử thách cạnh tranh với nhà ở xã hội”.

Hướng tới lợi ích cho khách hàng

Dẫu biết con đường đang đi không hề bằng phẳng, song ngay từ đầu, Mường Thanh chỉ lựa chọn duy nhất “miếng bánh” này ở thị trường Hà Nội. Đó là bởi, phân khúc nhà giá rẻ luôn có lượng khách hàng rất lớn, với khoảng 80% tổng số người có nhu cầu mua nhà ở. Đây chắc chắn là hướng đầu tư ổn định, và nếu tiết giảm được chi phí vẫn có lợi nhuận. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn rằng, giá rẻ có đi kèm chất lượng xây dựng tốt hay không? Và thực tế đã có trường hợp cháy chung cư xảy ra tại tòa nhà do Mường Thanh đầu tư xây dựng.

Đáp lại câu hỏi, ông Danh khẳng định: “Tập đoàn Mường Thanh luôn tuân thủ đúng quy định về phòng, chống cháy nổ. Tuy nhiên, có những sản phẩm ra đời cách đây 10 năm nên hệ thống cứu hỏa đã lỗi thời. Do đó, chúng tôi đã và đang tiếp tục nâng chuẩn phòng cháy cho đúng quy định hiện tại. Mặt khác, Mường Thanh có đến 60 tòa chung cư nhà giá rẻ nên việc xảy ra sự cố cháy nổ cũng như nâng cấp hệ thống cháy nổ lâu hơn như các DN chỉ có vài tòa nhà là điều hết sức bình thường. Hiện tại, chúng tôi đã cơ bản nâng cấp xong hệ thống phòng cháy chữa cháy, chỉ còn vài tòa ở khu đô thị Xa La, Hà Đông vẫn đang tiếp tục hoàn thiện. Đây là nỗ lực rất lớn của Mường Thanh”.

Về vấn đề chất lượng xây dựng các dự án do Mường Thanh đầu tư, ông Danh khẳng định: “Chúng tôi luôn ưu tiên và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng xây dựng. Thực tế, nói đến chất lượng xây dựng, ngoài các tiêu chuẩn về nhà ở còn có các công trình giá trị gia tăng như công viên, hồ nước, cây xanh và các dịch vụ tiện ích khác. Trước đây, chúng tôi chưa có điều kiện xây dựng các công trình bổ trợ này do quỹ đất trong nội đô rất hạn chế. Đây cũng là yếu tố giúp Mường Thanh tiết giảm được chi phí xây dựng. Do đó, các căn hộ chủ yếu có mức giá dưới 1 tỷ đồng. Nhưng, 3.000 căn hộ thuộc 9 tòa chung cư tại khu đô thị Thanh Hà (quận Hà Đông) do Mường Thanh xây dựng sẽ dành 70% quỹ đất để trồng cây xanh, hồ nước, các tiện ích dịch vụ công cộng và hạ tầng xã hội. Không những chất lượng xây dựng đảm bảo mà người mua còn được hưởng nhiều tiện ích khác với mức giá chỉ từ hơn 9 triệu đồng/m2, tương đương khoảng từ 500 - 600 triệu đồng/căn trở lên.

Cần chính sách hỗ trợ người mua nhà giá rẻ

Đưa ra mức giá dưới 1 tỷ đồng/căn, các dự án của Mường Thanh nhanh chóng hết hàng sau khi mở bán, bởi vừa phù hợp túi tiền của nhiều người, vừa nằm trong số dự án được gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ. Sở hữu căn hộ 45m2 với giá 652 triệu đồng, thuộc tòa chung cư HH3, Linh Đàm, chị Lê Thị Hải (Hải Hậu, Nam Định) cho hay: “Hai vợ chồng tôi đều công tác ở nội thành, chi tiêu tiết kiệm lắm cũng chỉ để dành được 4 triệu đồng/tháng. Vì thế, thật khó để mua được một căn hộ 600 - 700 triệu đồng. Năm ngoái, Tập đoàn Mường Thanh mở bán tổ hợp chung cư HH với giá chỉ từ 13 triệu đồng/m2, lại được vay gói 30.000 tỷ đồng nên chúng tôi mua được căn hộ này. Tôi rất hài lòng với chất lượng cũng như dịch vụ ở tòa nhà”.

Đúng như chia sẻ của chị Hải, đa số hộ dân sống trong các tòa chung cư do Tập đoàn Mường Thanh đầu tư xây dựng đều có mức thu nhập trung bình, là người ngoại tỉnh hoặc ngoại thành Hà Nội. Nếu không có gói 30.000 tỷ đồng, nhiều người vẫn chưa thể an cư. Do đó, khi gói 30.000 tỷ đồng chấm dứt cho vay mới, không ít người thở dài vì chẳng biết đến khi nào ước mơ có một mái nhà mới thành hiện thực. Bởi vậy, không chỉ người dân, mà tất cả các DN xây nhà giá rẻ đều mong muốn Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ người dân mua nhà giá rẻ giống như gói 30.000 tỷ đồng. Và chỉ như vậy, cơn khát nhà ở giá rẻ mới có thể giảm nhiệt trong bối cảnh hiện nay.