Mỹ “bóp nghẹt” ngành dầu mỏ Iran sẽ không tác động nhiều đến thị trường trong dài hạn

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Barclays cho rằng việc Mỹ không tiếp tục gia hạn quy chế miễn trừ trừng phạt cho các nước nhập dầu của Iran chỉ tác động đến giá dầu trong ngắn hạn.

Trong một thông báo gửi khách hàng hôm 22/4, ngân hàng Barclays cho biết, động thái mới nhất của chính quyến Tổng thống Donald Trump nhằm sớm đưa xuất khẩu dầu mỏ của Iran về mức bằng 0 sẽ khiến nguồn cung dầu thế giới bị siết chặt trong thời gian ngắn. Ngân hàng Anh khẳng định quyết định siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu mỏ Tehran của Washington khó có thể có tác động lớn đến giá dầu trong dài hạn.
 Ngân hàng Barclays cho rằng quyết định siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu mỏ Tehran của Washington khó có thể có tác động lớn đến giá dầu trong dài hạn.
Trước đó, cùng ngày, Tổng thống Trump đã quyết định chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả 8 nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran mà không đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết Mỹ, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cùng các đồng minh cam kết đảm bảo rằng các thị trường dầu mỏ thế giới vẫn được cung cấp đầy đủ.
Hồi tháng 11/2018, Mỹ tái áp đặt trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc thế giới. Tuy nhiên, Washington đã cấp quy chế miễn trừ cho 8 nước và vùng lãnh thổ được phép tiếp tục mua dầu thô của Iran trong 6 tháng tiếp theo với số lượng hạn chế. Danh sách này bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Italia  và Hy Lạp.
Giá “vàng đen” đã tăng vọt lên mức cao nhất 6 tháng trong phiên giao dịch ngày 23/4 sau khi Mỹ chính thức tuyên bố sẽ dừng quyền miễn trừ cho các quốc gia nhập khẩu dầu Iran. Giá dầu Brent nhích 0,7% lên mức 74,58 USD/thùng, chạm mức đỉnh kể từ tháng 11/2018. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng chứng kiến phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2018 lên tới 65,10 USD/thùng, tăng 0,8% so với phiên trước đó.
Các nhà phân tích tại trung tâm JBC Energy ở Vienna nhận định rằng  nhiều khả năng Riyadh sẽ tăng sản lượng trong thời gian tới. “Chúng tôi cho rằng gần như chắc chắn nguồn dầu bổ sung từ Ả Rập Saudi  sẽ quay bắt đầu trở lại thị trường từ tháng 5 tới”, báo cáo của JBC nêu rõ.
Ngân hàng Barclays cho rằng quyết định của Mỹ có thể tác động đến giá dầu trong ngắn hạn. Ngân hàng này dự báo giá dầu Brent sẽ duy trì mức giá 70 USD/thùng trong năm nay, cao hơn so với trung bình hàng năm là 65 USD/thùng.
Tuy nhiên, ngân hàng Barclays cho biết: “Động thái mới nhất của Mỹ không ảnh hưởng nhiều đến quan điểm của chúng tôi về giá dầu mỏ trong dài hạn”.
Trong bối cảnh Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và các thành viên khác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể bù đắp nguồn dầu thiếu hụt tại Iran, ngân hàng Barclays hy vọng Riyadh sẽ điều chỉnh tăng sản lượng với tốc độ chậm hơn so với thời điểm cuối năm ngoái.
Barclays cũng nói rằng động thái mới nhất của Mỹ làm gia tăng nguy cơ xung đột tại Trung Đông, bao gồm cả việc Iran đe dọa đóng cửa Eo biển chiến lược Hormuz.
“Phản ứng của các khách hàng mua dầu lớn nhất của Iran, như Trung Quốc và Ấn Độ, cũng sẽ là điểm mấu chốt vì cả hai nước này đều khó có thể loại bỏ hoàn toàn nguồn cung từ quốc gia Trung Đông”, thông báo của Barclays nhấn mạnh./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần