Sau khi Quốc hội Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm trên, lượng dầu thô ở Texas , Oklahoma và Bắc Dakota được xuất khẩu ra nước ngoài. Tại thời điểm đó, tình trạng dư cung toàn cầu vẫn còn đang ám ảnh ngành năng lượng, giá dầu có lúc tụt dốc xuống mức 26 USD/thùng.
Tuy nhiên, khi tình trạng dư cung được hạn chế dần, một phần là nhờ sự bùng nổ trong hoạt động xuất khẩu dầu của Mỹ. Lượng dầu thô, từng bị tồn kho tại Mỹ vì lệnh cấm đã được xuất khẩu tới châu Âu, Mỹ Latinh và thậm chí là Trung Quốc.
Theo số liệu mới nhất từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nước này xuất khẩu 1,7 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 10/2017, gấp 4 lần so với thời điểm năm 2015, khi luật pháp liên bang cấm xuất khẩu dầu tới hầu hết các quốc gia, trừ Canada.
Lượng dầu dự trữ tại Mỹ - lượng dầu thô đã được bơm ra khỏi mặt đất nhưng chưa được bán - giảm 15% trong năm 2017, theo số liệu của EIA. Dự trữ dầu của Mỹ đã giảm 10 tuần liên tiếp và đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 2/2015.
Nhà phân tích năng lượng Tom Kloza thuộc Dịch vụ Thông tin Giá dầu cho biết: “Những gì xảy ra khá ấn tưởng. Về cơ bản, nó khiến Mỹ cạn dầu”.
Giá "vàng đen" thế giới bắt đầu leo dốc khi hoạt động xuất khẩu dầu tại Mỹ góp phần hạn chế tình trạng dư cung toàn cầu. Tính cho tới nay, giá dầu đã tăng vọt 9% và chạm mức cao nhất trong 3 năm với 66,66 USD/thùng hôm 25/1 vừa qua.
Cùng với việc chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu dầu của Mỹ, yếu tố quan trọng khác đã hỗ trợ tích cực cho thị trường năng lượng là việc thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nhà sản xuất khác, dẫn dầu là Nga. Ngoài ra, giá dầu thô cũng hưởng lợi khi các nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh hơn - một điều làm gia tăng nhu cầu dầu - và đà suy yếu của đồng USD.
Trong thời điểm hiện nay, khi giá dầu phục hồi mạnh, các nhà sản xuất dầu ở Mỹ cũng đẩy mạnh hoạt động khai thác, đặc biệt tại những trung tâm khai thác dầu đá phiến ở khu vực Permian Basin, Tây Texas và New Mexico.
Một phần của số lượng dầu này đang được xuất khẩu ra nước ngoài. Sau Canada, thị trường xuất khẩu dầu thô chính của Mỹ trong năm 2017 là Trung Quốc (16,5%), Anh (11,3%) và Hà Lan (8,4%), theo dữ liệu của công ty nghiên cứu năng lượng ClipperData.
Sản lượng khai thác dầu trong nước liên tục gia tăng cũng cho phép Mỹ nhập khẩu ít dầu hơn từ các khu vực bất ổn chính trị như Venezuela và khu vực Trung Đông. Mặc dù vậy kim ngạch nhập khẩu dầu của Mỹ vẫn cao hơn kim ngạch xuất khẩu, nhưng khoảng cách này đang dần thu hẹp.
“Mỹ đang trở nên tự túc nhiều hơn”, Matt Smith - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu hàng hóa của ClipperData cho biết. Các nhà phân tích thị trường thậm chí còn đưa ra dự báo rằng Mỹ có thể sớm vượt Ả Rập Saudi, trở thành nhà sản xuất dầu lớn thứ 2 thế giới.
Chuyên gia Kloza nhận định xuất khẩu đang ngày càng tăng, cho rằng Mỹ cuối cùng có thể lọt vào top 4 nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, vượt qua một số thành viên của OPEC như Iran, Iraq và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Trong lúc này, Nga và Ả Rập Saudi khẳng định họ không lo lắng về dầu Mỹ vì nhu cầu dầu thô trên thị trường thế giới đang tăng. “Nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng. Do đó, chúng tôi không nên tỏ ra lo lắng”, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih cho biết tại diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos trong tuần trước.
OPEC có thể nhận ra rằng cơ sở vật chất lạc hậu sẽ hạn chế lượng dầu mà Mỹ xuất khẩu được ra nước ngoài.
Nền kinh tế số một thế giới cần nâng cấp đường ống, nhà ga và các bến cảng. EIA viết trong báo cáo: “Các nhà xuất khẩu năng lượng Mỹ còn đang dùng các tàu nhỏ hơn, ít tiết kiệm hơn hoặc chấp nhận các hợp đồng giao hàng phức tạp, làm tăng chi phí”.
Song hiện tại, đợt bùng nổ xuất khẩu và sản xuất đang giúp ngành năng lượng Mỹ hồi sinh sau giai đoạn lao dốc cách đây 2 năm. Điều này đồng nghĩa với việc dân Mỹ có nhiều việc làm hơn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.