Mỹ chuẩn bị "đòn chí mạng" vào công nghệ cao của Trung Quốc

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công ty sản xuất chip điện tử hàng đầu SMIC trở thành mục tiêu mới nhất của Mỹ trong nỗ lực gia tăng trừng phạt các hãng công nghệ Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 4/9 cho biết, cơ quan này đang làm việc với các bộ ngành khác trong Chính phủ để quyết định có nên trừng phạt SMIC, cũng như buộc các nhà cung cấp thiết bị và phần mềm của Mỹ phải có giấy phép đặc biệt khi bán hàng cho SMIC hay không.

Trước đó, Lầu Năm Góc được cho đã đưa đề nghị trừng phạt SMIC lên một ủy ban chuyên trách các công ty có tên trong "danh sách đen" do Bộ Thương mại phụ trách, bao gồm đại diện của các Bộ Quốc phòng, Ngoại giao và Năng lượng, nhưng chưa rõ các bộ khác có tán thành đề nghị này hay không.

Hiện có 275 công ty có trụ sở tại Trung Quốc có tên trong danh sách nói trên, từ các công ty viễn thông như Huawei và ZTE bị trừng phạt do vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ, đến công ty sản xuất camera giám sát Hikvision với lý do tham gia vào việc trấn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump gần đây đang gia tăng trừng phạt các công ty Trung Quốc, nhưng quyết định cấm vận đối với SMIC được cho là một "đòn chí mạng" vào ngành công nghệ cao của quốc gia châu Á.

Nếu như Huawei là tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc thì SMIC đi đầu về công nghệ điện tử, chuyên sản xuất chip điện tử cả trong quân sự lẫn dân sự. SMIC đóng vai trò then chốt trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, giữa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Bộ Quốc phòng Mỹ hiện chưa công bố lý do cho yêu cầu cấm vận SMIC song các quan chức cấp cao cho rằng, mối quan hệ giữa công ty này với quân đội Trung Quốc là một yếu tố đang bị xem xét.

Gần đây, Lầu Năm Góc đã trình 2 danh sách các công ty được cho do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát, trở thành căn cứ để Washington ban hành quyết định cấm vận khi cần thiết. Tháng trước, Mỹ đã ra lệnh cấm vận 24 tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc bồi đắp trái phép và quân sự hóa của Trung Quốc tại các bãi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

SMIC hôm 5/9 khẳng định công ty này không có quan hệ gì với quân đội Trung Quốc, đồng thời tỏ ý sẵn sàng liên lạc với các cơ quan Chính phủ Mỹ nhằm giải quyết mọi hiểu lầm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần