Mỹ có thể tự bảo vệ trước tên lửa liên lục địa của Triều Tiên?

Lan Hương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện Triều Tiên chỉ cần 1 - 2 năm để phát triển tên lửa liên lục địa (ICBM) có thể đạt "năng lực hoạt động tối thiểu".

Việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa liên lục địa (ICBM) đầu tiên có khả năng tấn công bang Alaska, Mỹ dấy lên câu hỏi: Quân đội Mỹ liệu có khả năng hạ được tên lửa?
Trước đó, Bình Nhưỡng tuyên bố, tên lửa được phóng thử là tên lửa mới được phát triển đạt tầm cao 2.800 km và bay được 933 km trong vòng 39 phút, mang đầu đạn hạt nhân.
 Tên lửa ICBM mới của Triều Tiên được cho là có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Trả lời phóng viên hôm 5/7, Người Phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis cho biết: “Chúng tôi tự tin vào khả năng phòng thủ chống lại các mối đe dọa của quân đội Mỹ”.
Người Phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết, quân đội Mỹ đã thực hiện thành công một bài kiểm tra đánh chặn tên lửa mô phỏng ICBM của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, đại diện Lầu Năm Góc thừa nhận, kết quả thu được từ các bài kiểm tra khá khác nhau.
"Nhưng chúng tôi có năng lực phòng thủ lớn hơn năng lực của một hệ thống đánh chặn”, ông Davis nói.
Thông tin từ Reuters cho hay, Lầu Năm Góc đã cải tiến thiết bị quốc phòng sau bài kiểm tra hồi tháng 5.
Mặc dù hàng tỷ USD đã được chi tiêu cho hệ thống phòng thủ tên lửa, Washington có thể không tự bảo vệ trước cuộc tấn công từ ICBM.
Các chuyên gia lưu ý rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ hiện có thể hạ một, hoặc một số ít các tên thường thông thường. Nếu công nghệ và năng lực của Bình Nhưỡng tiếp tục cải tiến, hệ thống phòng thủ có thể “quá tải”.
Trong 4 năm tới, Lầu Năm Góc phải tăng cường năng lực triển khai hiện tại của các hệ thống phòng thủ nhanh hơn nữa, ông Riki Ellison - người sáng lập Liên minh phòng thủ tên lửa nhận định.
Hồ sơ của Cơ quan Quốc phòng Mỹ (MDA) về các bài kiểm tra hệ thống phòng thủ tên lửa cũng cho ra những kết quả khác nhau.
Cụ thể, hệ thống phòng thủ trên bộ (GMD) có tỷ lệ thành công chỉ trên 55%. Hợp phần thứ 2, hệ thống Aegis được triển khai trên tàu hải quân Mỹ và trên đất liền, có tỷ lệ thành công 83%. Trong khi đó, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) có tỷ lệ thành công 100% trong 13 cuộc kiểm tra được thực hiện từ năm 2006.
Chuyên gia tên lửa Mỹ John Schilling, một thành viên tham gia dự án giám sát chương trình hạt nhân của Triều Tiên cho rằng, vụ phóng thử diễn ra sớm hơn và "thành công hơn dự kiến".
Hiện Triều Tiên chỉ cần 1 - 2 năm để phát triển tên lửa liên lục địa (ICBM) có thể đạt "năng lực hoạt động tối thiểu", John Schilling nói thêm.
Kể từ nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Ronald Reagan trong những năm 1980, chính phủ Mỹ đã chi hơn 200 tỷ USD để phát triển và đưa ra một loạt các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, từ phát hiện vệ tinh tới hệ thống Aegis trên biển. Chi tiêu cho MDA trung bình là 8,12 tỷ USD  trong thời gian cầm quyền của Tổng thống Barack Obama. Ông Trump đã đề xuất 7,8 tỷ USD cho năm tài khóa 2018.