Mỹ đang bị cô lập trong nỗ lực quyết trừng phạt Iran tới cùng

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng Thư ký Liên Hợp quốc tuyên bố chưa đưa ra hành động nào việc Mỹ kích hoạt "quy trình đảo ngược" nhằm tái áp đặt lệnh trừng phạt với Iran do "có sự không chắc chắn" về vấn đề trên.

Rạng sáng 20/9 theo giờ Việt Nam, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương tuyên bố khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc (LHQ) nhằm vào Iran - động thái bị phần lớn quốc gia trên thế giới xem là “bất hợp pháp”.
 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố sẽ thúc đẩy nỗ lực để LHQ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm duy trì lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran,  
Washington tuyên bố  kích hoạt "quy trình đảo ngược" nhằm tái áp đặt theo một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ được quy định trong Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 đã có hiệu lực vào lúc 20 giờ (EST) ngày 19/9 (giờ Mỹ).
"Mỹ thực hiện động thái quyết đoán này vì ngoài việc Iran không tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, Hội đồng Bảo an không gia hạn lệnh cấm vận vũ khí của LHQ nhằm vào Iran – vốn đã tồn tại trong suốt 13 năm qua" - Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố.
Đặc biệt, chính quyền Tổng thống Trump còn cảnh báo thiết lập một hệ thống trừng phạt thứ cấp để trừng phạt bất kỳ quốc gia hay thực thể nào vi phạm. Dự kiến các bước đi cụ thể sẽ được nhà lãnh đạo Mỹ công bố trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ vào ngày 22/9 tới, tức 6 tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống nước này.
Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh: “Iran vẫn là nước tài trợ khủng bố lớn nhất thế giới và chúng tôi không tin rằng họ có thể tiếp tục buôn bán vũ khí chiến tranh mà không bị trừng phạt. Chúng tôi sẽ tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran để lệnh cấm vận vũ khí với nước này sẽ kéo dài vô thời hạn. Chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng điều này là tốt cho tất cả các dân tộc, các quốc gia”.
Theo các nhà phân tích, với bước đi này, Mỹ đang tự cô lập mình hơn nữa trong nỗ lực trừng phạt Iran và có nguy cơ làm leo thang những căng thẳng quốc tế.
Động thái này của Mỹ không nhận được sự ủng hộ của gần như toàn thể cộng đồng quốc tế, từ Nga, Trung Quốc, đặc biệt là cả các đồng minh châu Âu lâu năm như Anh, Pháp và Đức.  
Hành động kích hoạt “quy trình đảo ngược” của Washington gặp phải sự phản đối kịch liệt từ thành viên khác của Hội đồng Bảo an LHQ - những quốc gia đã tuyên bố sẽ phớt lờ nước đi này.
13 trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an nói rằng Washington không còn quyền kích hoạt cơ chế này từ năm 2018, khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt lệnh trừng phạt của quốc gia này vào Iran. Tuy nhiên, Mỹ lập luận họ vẫn còn quyền kích hoạt cơ chế trên, bởi họ là một thành viên ban đầu của thỏa thuận và là một thành viên của Hội đồng Bảo an.
Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres ngày 19/9 nói rằng tổ chức này chưa đưa ra hành động nào liên quan đến việc Mỹ kích hoạt “quy trình đảo ngược” nhằm tái áp đặt lệnh trừng phạt với Iran do "có sự không chắc chắn" về vấn đề trên.  “Có vẻ như sẽ không chắc chắn liệu quá trình đảo ngược có thực sự được khởi xướng hay không, và liệu việc chấm dứt (trừng phạt) ... có tiếp tục có hiệu lực hay không,” ông Guterres viết trong một bức thư gửi Hội đồng Bảo an LHQ.
Trung Quốc và Nga là 2 quốc gia phản đối đặc biệt mạnh mẽ đối với lập luận của Mỹ. Phó Đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy viết trên trang Twitter nêu rõ: “Chúng tôi đã nói rõ vào tháng 8 rằng những tuyên bố của Mỹ để kích hoạt quy trình đảo ngược nhằm tái áp đặt lệnh trừng phạt với Iran là không hợp pháp”.
Thậm chí, các đồng minh lâu năm của Mỹ tại châu Âu cũng phản đối đề xuất của Washington, và muốn nới lỏng lệnh trừng phạt chống Iran. Trong bức thư chung gửi chủ tịch Hội đồng Bảo an hôm 18/9, Anh, Pháp và Đức tuyên bố lập trường của Mỹ không có cơ sở pháp lý và quá trình kích hoạt “quy trình đảo ngược“ không thể diễn ra.

 Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 19/9 khẳng định Mỹ sẽ không thể khôi phục các lệnh trừng phạt từng được áp đặt trước năm 2015 đối với Tehran.

Anh, Pháp và Đức khẳng định, việc nới lỏng trừng phạt Iran vẫn sẽ theo kế hoạch, bất kỳ quyết định nào về việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran là không hợp pháp. LHQ sẽ tiếp tục giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt đối với Iran sau ngày 20/9, thời hạn mà Mỹ đặt ra để tái áp đặt các lệnh trừng phạt.
Về phần mình, Đại sứ Iran tại LHQ Takht Ravanchi khẳng định nước đi trên của Mỹ là "không thể chấp nhận" và tuyên bố của Washington chỉ khiến họ càng bị cô lập.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 19/9 khẳng định Mỹ sẽ không thể khôi phục các lệnh trừng phạt từng được áp đặt trước năm 2015 đối với Tehran trong ý định đơn phương tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), đồng thời cho rằng cộng đồng quốc tế cần phản đối việc Washington sử dụng các biện pháp trừng phạt trên./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần