Mỹ Đức phấn đấu đưa 2 xã về đích nông thôn mới năm 2019

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 19/6, Đoàn công tác Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội đã đi kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020” tại huyện Mỹ Đức.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Chí phát biểu tại buổi làm việc
Tính đến tháng 6/2019, huyện Mỹ Đức đã có 11/21 xã về đích nông thôn mới. Toàn huyện đã có 8/19 tiêu chí đạt, 9/19 tiêu chí cơ bản đạt và 2 tiêu chí chưa đạt (thu nhập, trường học). Hiện, có 2 xã đạt và cơ bản đạt 18/19 tiêu chí; 2 xã đạt và cơ bản đạt 17/19 tiêu chí; 2 xã đạt và cơ bản đạt 16/19 tiêu chí, và 4 xã đạt và cơ bản đạt từ 14 - 15/19 tiêu chí.
Điểm nhấn trong công tác xây dựng nông thôn mới của huyện Mỹ Đức là nâng cao đời sống cho người nông dân. Cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm được quan tâm, đầu tư. Hiện, toàn huyện có 42/78 trường đạt chuẩn quốc gia; 19/22 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. 100% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh (trong dó, 33% người dân đã có nước sạch để sử dụng).
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, giá trị sản xuất trên 1 héc-ta canh tác đã đạt 146 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người nông dân đạt 38 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện liên tục giảm qua các năm, hiện chỉ còn 2,8%. Toàn huyện đã không còn nhà dột nát…
Là địa phương nằm xa trung tâm, thực tế việc triển khai Chương trình số 02 của huyện Mỹ Đức hiện còn gặp nhiều khó khăn. Việc huy động nguồn vốn đầu tư cho chương trình còn thấp. Đóng góp của nhân dân và xã hội hoá còn ít. Quy mô sản xuất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa còn nhỏ. Chưa có nhiều mô hình áp dụng công nghệ cao vào sản xuất…
Năm 2019, huyện Mỹ Đức đặt mục tiêu có 2 xã về đích nông thôn mới là: Thượng Lâm và Hùng Tiến. Để đạt được mục tiêu này, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Khuyến khích phát triển các mô hình trang trại xã khu dân cư gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm, liên kết chuỗi. Đồng thời, tăng cường các giải pháp phòng chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần