Mỹ Đức ưu tiên phát triển kinh tế trang trại

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, huyện Mỹ Đức đã tập trung hỗ trợ cho các xã trên địa bàn phát triển các mô hình trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn.

Mô hình trồng bưởi Diễn tại xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức.
Mô hình trồng rau sắng đặc sản kết hợp trồng cây ăn quả (nhãn, vải, na, mơ) đã mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân xã Hương Sơn. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Sơn Nguyễn Văn Bắc cho biết, hiện, toàn xã có hơn 79ha trồng rau sắng kết hợp trồng cây ăn quả, với 73 hộ tham gia sản xuất. Nhiều hộ có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm như: Gia đình ông Nguyễn Văn Minh (thôn Yến Vỹ), ông Vương Ngọc Kiện (thôn Đục Khê), ông Lê Văn Kít (thôn Phú Yên)…
Tại xã An Mỹ, nhiều hộ mạnh dạn xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi quy mô lớn, mang lại giá trị kinh tế cao. Điển hình như trang trại chăn nuôi 2ha của gia đình ông Nguyễn Bá Nam, ở thôn Kinh Đào, với 200 lợn nái, 2.000 lợn thịt và 6.000 con vịt, ngan, cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Trang trại của gia đình ông Nam còn tạo việc làm ổn định cho 15 lao động với thu nhập trung bình từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Đáng chú ý, An Mỹ đã quy hoạch riêng khu chăn nuôi tập trung với diện tích 3ha, hiện có 7 trang trại của các hộ dân liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ với Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam với quy mô nuôi hàng nghìn con lợn thịt. Bên cạnh phát triển chăn nuôi, trên địa bàn xã đang duy trì mô hình trồng cây dược liệu với diện tích hơn 2ha. Mô hình đang tạo việc làm thường xuyên cho 20 - 30 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Theo số liệu thống kê của UBND huyện Mỹ Đức, tính đến nay, toàn huyện có 150 trang trại tổng hợp, trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản với diện tích gần 810ha. Các trang trại cho doanh thu từ 300 - 900 triệu đồng/ha/năm, tạo việc làm ổn định cho 1.100 lao động của địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng. Điểm đáng ghi nhận là cả 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều phát triển kinh tế trang trại, đa dạng các loại hình như: Chăn nuôi gà siêu trứng ở xã Phúc Lâm; chăn nuôi lợn bản địa ở An Phú; nuôi ba ba, nhím ở Hương Sơn; trồng cây cảnh ở Tuy Lai; trồng rau an toàn ở Phù Lưu Tế…
Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Lê Hải Hồng cho hay, thời gian tới, phòng tiếp tục phối hợp với các xã hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiếp cận khoa học kỹ thuật để đẩy mạnh phát triển mô hình trang trại cho hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng, DN xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm ổn định đầu ra cho nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.