Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử ICBM mới nhất

Nguyễn Phương (Theo CNN)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Mỹ ngày 26/12 đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với 2 chuyên gia của Triều Tiên có liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa của nước này.

Việc Mỹ liên tục áp các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên là động thái mới nhất trong một chiến dịch gây sức ép tối đa nhằm buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình phát triển các tên lửa hạt nhân có khả năng tấn công lãnh thổ Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. 
Bộ Tài chính Mỹ đã nêu tên các quan chức bị trừng phạt là Kim Jong Sik và Ri Pyong Chol. Theo đó, ông Kim được coi là nhân vật quan trọng trong nỗ lực chuyển đổi chương trình tên lửa của Triều Tiên từ chất lỏng sang rắn, trong khi ông Ri được báo cáo là một quan chức chính trong việc phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố: "Bộ Tài chính đang nhắm mục tiêu tới các nhà lãnh đạo các chương trình ICBM của Triều Tiên, như một phần của chiến dịch gây sức ép tối đa để cô lập Triều Tiên và tiến tới việc phi hạt nhân hóa tại Bán đảo Triều Tiên".
Các bước đi tượng trưng này nhằm chặn bất kì bất động sản hoặc lợi nhuận nào mà hai quan chức trên có thể sở hữu trong phạm vi quyền hạn của Mỹ và cấm mọi công dân Mỹ giao dịch với hai người này.
Bước đi mới nhất của Chính phủ Mỹ diễn ra sau khi Liên Hợp quốc (LHQ) thông qua nghị quyết mới trừng phạt Triều Tiên để phản ứng lại vụ thử ICBM mới nhất của Bình Nhưỡng hôm 29/11 vừa qua.
Hội đồng Bảo an LHQ ngày 22/12 thông qua những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất nhằm vào Triều Tiên do Mỹ soạn thảo. Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ sẽ cấm xuất khẩu 90% các sản phẩm xăng dầu đã qua chế biến vào Triều Tiên, đặt mức trần là 500.000 thùng/năm, trong khi đó, việc xuất khẩu dầu thô cũng được hạn chế ở mức 4 triệu thùng/năm.
LHQ đã yêu cầu các nước phải gửi trả lao động Triều Tiên về nước trong vòng 24 tháng kể từ ngày nghị quyết trừng phạt được thông qua. 
Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên đã làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc xung đột mới trên Bán đảo Triều Tiên, vốn vẫn ở trong tình trạng chiến tranh về mặt kĩ thuật khi Chiến tranh Triều Tiên 1950-53 kết thúc bằng một cuộc đình chiến, chứ không phải là một hiệp định hòa bình.
Theo thông báo của Nhà Trắng, tất cả các lựa chọn, bao gồm cả giải pháp quân sự, đều đang được Washington xem xét trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần